Theo Cục Thú y, tính đến ngày 5/3, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 9 tỉnh, thành phố. Ổ dịch xuất hiện tại 331 hộ ở 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh; 6.471 con lợn đã bị tiêu hủy. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ thịt lợn, khiến giá lợn hơi tại miền Bắc giảm nhanh. Ảnh minh hoạ: I.T
Dịch tả lợn châu Phi lan ra 9 tỉnh, thành phố; giá lợn hơi miền Bắc giảm mạnh
Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 2/2019, tình hình chăn nuôi trong nước nhìn chung ổn định, riêng đàn trâu giảm do diện tích chăn thả thu hẹp. Theo ước tính tháng 2/2019 của Tổng cục Thống kê, đàn bò cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018; đàn lợn tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6%; đàn trâu giảm 2,8%.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 2 năm 2019 ước đạt 32 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2019 đạt 77 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 9 tỉnh, thành phố, gồm Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nam, Điện Biên, Hoà Bình..., mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng các địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển lợn tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn trong giai đoạn này.
Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp & PTNT cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF tiếp tục lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ.
Trong tháng 2/2019, giá lợn hơi trong nước diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (ASF), giá lợn hơi đã giảm nhanh tại một số địa phương và đến nay giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hầu hết các tỉnh miền Bắc giá lợn hơi hiện chỉ đạt 38.000 - 41.000 đồng/kg. Ở các tỉnh xa vùng có dịch như Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, giá lợn hơi cao hơn nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 44.000 đồng/kg.
Một số chủ trang trại cho biết, trong ngày hôm qua 6/3, giá lợn hơi xuất bán tại trại của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP cũng được điều chỉnh giảm thêm 1.000 đồng/kg, hiện còn 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam đang trên đà giảm
Trong khi đó, giá heo hơi tại khu vực miền Nam tuy cao hơn tới 10.000 đồng/kg so với miền Bắc, song cũng đang trên đà giảm bởi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng, thậm chí còn giảm. Minh chứng là trong ngày 6/3, lượng heo hơi về chợ đầu mối trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đạt hơn 4.000 con nhưng tư thương buôn bán rất chậm, giá rớt mạnh.
Diễn biến thị trường giá heo hơi (lợn hơi) ngày 6/3 tại một số tỉnh, thành phố. Nguồn: Anova Feed
Theo thống kê của Anova Feed, nhiều tỉnh miền Nam trong ngày 6/3 đã giảm giá bán, trong đó tỉnh Tây Ninh là địa phương có mức giảm nhiều nhất, giảm sâu thêm 5.000 đồng/kg, còn 48.000 đồng/kg.
Các tỉnh Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, An Giang, Vĩnh Long và Kiên Giang giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tỉnh Tiền Giang là địa phương duy nhất tăng 1.000 đ/kg, lên 50.000 đồng/kg.
Do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF.
Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch ASF.