Dân Việt

Tết nhiều cái mới ở bản lòng hồ nơi đỉnh núi

25/01/2012 06:49 GMT+7
(Dân Việt) - "Di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La đã đưa người dân bản Hé xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai, Sơn La) đến địa điểm mới với nhiều cái mới: Không còn nhà tạm, không còn hộ đói, cuộc sống lưỡng cư thuỷ-bộ song toàn".

- Ông Điêu Chính Phín, già bản Hé vui vẻ cho biết như vậy.

Bản lòng hồ nơi đỉnh núi

Về với bản Hé xã Mường Chiên vào ngày cuối năm khi nước lòng hồ Thuỷ điện Sơn La đã tích tụ ở mức cao nhất, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân tái định cư (TĐC) ở đây thật sự bước vào một cuộc sống hoàn toàn khác với trước đây.

img
Đầm ấm bữa cơm tất niên ở nhà anh Hoàng Văn Ứng (bản Hé xã Mường Chiên, Quỳnh Nhai, Sơn La).

Trưởng bản Điêu Chính Hưng cho biết: Từ tháng 10 vừa qua nước lòng hồ bắt đầu dâng cao, nhấn chìm tất cả những khu làng bản, ruộng nương, khe suối cũ-những địa bàn mà chúng tôi vẫn tranh thủ sản xuất để lấy nguồn thu nhập. Vậy là từ đó chúng tôi chính thức sống bằng nguồn thu nhập mới với phương thức sản xuất mới. Là dân vùng cao, bao đời sống nhờ núi rừng, nương rẫy, gắn bó với núi đồi khi còn nằm trong bụng mẹ, bây giờ bước chân ra khỏi gầm sàn là gặp nước; ăn nhìn thấy nước, ngủ mơ thấy nước… Đây là năm đầu tiên chúng tôi ăn tết giữa mênh mông nước như thế này.

Bản Hé là nơi TĐC Thuỷ điện Sơn La theo phương thức di vén của 40 hộ dân thuần nông ở xã Mường Chiên của huyện Quỳnh Nhai lên trên cốt ngập 218m. Từ khi nước dâng cao, người bản Hé bắt đầu làm quen với việc đi lại bằng thuyền, kiếm ăn trên mặt nước từ nguồn lợi thuỷ sản.

Bên nồi rượu tết đang tuôn chảy thơm lừng, già bản Điêu Chính Phín, bảo: Dân bản Hé vốn không quen với sông nước nên sau khi nước ngập đến mấy tháng mà có người vẫn chưa dám bước chân xuống thuyền vì sợ nước. Nhưng nay thì đã quen rồi, nhiều hộ đã biết kiếm cá, tôm từ lòng hồ đấy.

Cá làm ra nhiều, vừa bán vừa bớt lại phơi khô, hong khói để ăn dần. Gió lạnh, mưa phùn, ngồi bên bếp lửa hồng trên nhà sàn nhâm nhi rượu ngô với cá nướng, ngắm sương mù bảng lảng trên mặt hồ quanh nhà hay nghe tiếng hoạ mi đấu giọng bên dãy núi thì còn hơn cả đi du lịch nước ngoài. Không ít khách du lịch đến đây, mải vui quên cả giờ về, nhà đò gọi gọi tìm mãi mới thấy.

Trên sàn bếp nhà anh Lò Văn Phối ở giữa bản treo lủng lẳng cái mẹt to đùng với đầy ắp cá, tôm hong khói đượm vàng. Dưới gầm sàn, anh Phối đang loay hoay bắc nồi rượu lớn. Anh bảo: Cá, tôm cho tết đã đủ hết rồi, chỉ còn mẻ rượu này thôi. Từ khi ngập nước đến nay thì hầu như nhà nào cũng tự nấu lấy rượu uống vì rượu là thứ đồ uống không thể thiếu của dân bản. Ở đây không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng giỏi uống rượu, vui rượu cùng khách từ chén nhập mâm tới chén tiễn chân, cạn 100%, không đùn đẩy, rót ngửa, rót nghiêng như ở nơi khác…

Tết ấm lòng người

Từ gian nhà sàn cuối bản chợt vang lên tiếng khắp Thái (hát Thái) ngân nga hoà cùng nhịp đàn tính tẩu ấp áp. Anh Phối bảo: Phụ nữ bản đang tập văn nghệ đấy. Vợ tôi cũng sang đó từ lâu rồi. Đội văn nghệ của bản tuy ít người nhưng luyện tập chăm chỉ lắm. Họ không muốn cho người khác xem đâu, muốn giữ bí mật chương trình văn nghệ ngày tết để mọi người thêm bất ngờ khi tham dự, cổ vũ mà. Phụ nữ Quỳnh Nhai vốn nổi tiếng…

Một chiếc thuyền nan ghé mũi vào ngay trước sàn nhà, mấy trai bản khiêng con lợn đen to tới gần tạ thịt vào đặt uỵch trên sân. "Lợn tết đấy. Năm nay ăn tết tiết kiệm, mấy nhà chung nhau một con lợn, mổ ăn cho vui cửa vui nhà, để con trẻ được thấy cái không khí tết và lấy thịt làm nhân gói bánh chưng vào ngày mai" - vừa giải thích, anh Phối vừa lôi ra một ống nứa dài chừng 30cm, một đầu vát nhọn: Chọc bằng ống nứa lấy tiết gọn hơn mà lại sạch sẽ. Con lợn này khoẻ mạnh, không hãm tiết canh thì cũng phí một món ngon…

Phía đầu bản, một chiếc xuống máy cỡ lớn cũng vừa cập bến. Dân bản nhanh chóng quây quanh mạn xuồng, người xách dăm ba hộp bánh, mứt; kẻ lựa chọn mấy bó rau xanh; đám con trẻ nháo nhác giành nhau những túm bóng bay đủ màu sắc…

"Lợn tết đấy. Năm nay ăn tết tiết kiệm, mấy nhà chung nhau một con lợn, mổ ăn cho vui cửa vui nhà."

Anh Phối cũng giao lại con lợn cho đám trai bản cạo lông, khoác chiếc áo đi về phía chiếc thuyền hàng. Một lát sau anh khệ nệ ôm về một chồng bánh kẹo lỉnh kỉnh trước ngực, sau lưng còn khoác thêm cây mai vàng bằng nhựa, mặt hớn hở như trẻ con được kẹo: Bây giờ sướng thật, cái gì cần mua cũng có người mang đến tận bản, tận nhà. Chỉ hết hơn dăm trăm bạc mà sắm bao nhiêu thứ thế này. Tết này nhìn cái bàn thờ nhà mình oách lắm đây.

Một người phụ nữ gánh 2 đùm lá dong to tướng đi ngang qua gọi với vào bằng tiếng Thái, anh Phối và đám trai bản gật đầu lia lịa. Thấy tôi cứ nghệt mặt ra theo dõi cuộc trao đổi thông tin, anh Phối cười: Đấy là chị Xuyến, chi hội trưởng phụ nữ bản. Chị ấy bảo chúng tôi chiều nay bớt việc đến nhà chị ấy gói giúp bánh chưng cho mấy hộ neo đơn.

Dân bản Hé nghèo nhưng biết thương yêu giúp đỡ nhau, nhà ai có việc, ít người là cả bản xúm tay vào lo giúp. Có sự sẻ chia thì bản làng thêm ấm cúng mà lòng mình cũng thêm vui. Người Thái có câu nói: Mùa xuân là của đất trời, còn tết là của lòng người, nhà báo ạ.