Dân Việt

Bộ trưởng đề xuất "mất bằng lái xe phải thi lại": Có vi phạm luật?

Thành An 07/03/2019 13:07 GMT+7
Các luật sư cho rằng, đề xuất người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ các môn mới được cấp bằng mới của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể là “không phù hợp”, “xâm phạm quyền công dân”, đặc biệt là đối với những người đã được cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Ngày 6.3, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Tại đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm.

img

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Đáng chú ý, Bộ trưởng GTVT đưa ra đề xuất theo hướng người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ các môn mới được cấp bằng mới. Theo ông Thể, việc này để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi nhưng do công tác quản lý còn hạn chế. Bởi thực tế có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, người vi phạm "lách luật" để có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba nhằm tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Ngay lập tức, đề xuất này đã “dậy sóng” dư luận bằng những phản ứng dữ dội.

Đề xuất gây phiền hà cho người dân

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng đề xuất này “không phù hợp”, “xâm phạm quyền công dân”, đặc biệt là đối với những người đã được cấp GPLX. Bởi mất là do vô ý dẫn đến không giữ được GPLX, không thể vì hành vi vô ý này mà bắt người dân phải thi lại.

“Mong muốn của Bộ trưởng GTVT là rất tốt nhưng đề xuất này đi ngược lại với quy định pháp luật hiện hành, ngược lại với tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, hiện nay pháp luật quy định rất rõ khi mất giấy tờ công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ khai báo với chính quyền địa phương sau đó được hướng dẫn cấp lại” – luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.

img

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhìn nhận: Đề xuất này mới chỉ là trên phương diện cá nhân chưa trở thành quy phạm pháp luật, chắc chắn “sẽ không bao giờ Chính phủ, Quốc hội thông qua đề xuất đi ngược lại pháp luật, xâm phạm quyền công dân để thể chế hóa nó thành quy phạm pháp luật”.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng đề xuất giải pháp như vậy Bộ trưởng GTVT đề cập đến là “không hợp lý, có thể gây phiền hà cho người dân và tạo điều kiện cho những tiêu cực, sách nhiễu trong quá trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe”.

“Việc đề xuất đưa ra quy định mọi trường hợp mất giấy phép lái xe đều phải thi lại, sát hạch lại là không có cơ sở pháp lý cũng như không có cơ sở lý luận và không khả thi, gây phiền hà cho người dân. Bản chất của GPLX là ghi nhận trình độ, khả năng điều khiển phương tiện giao thông. Khi người đã được đào tạo, sát hạch, được cấp bằng lái thì họ đủ điều kiện tham gia giao thông. Khi họ đã có GPLX, đã tham gia giao thông thì kinh nghiệm, kỹ năng của họ ngày càng nâng cao, khi đó trình độ kỹ năng của họ chắc chắn hơn hẳn những người chưa lái xe, chưa thi bao giờ... vậy lý do gì bắt buộc họ phải thi lại, phải nộp tiền, phải thực hiện thủ tục cho phiền hà, tốn kém, lãng phí thời gian, tiền của?” – luật sư Đặng Văn Cường đưa ý kiến.

Theo các luật sư, thông thường thì tất cả các bằng cấp, chứng chỉ và các giấy tờ pháp lý hiện nay thì khi mất, hỏng, rách đều có thủ tục cấp lại, cấp đổi chứ không ai bắt học lại, thi lại. Khi nghi ngờ tới trình độ, kỹ năng so với bằng cấp thì mới phải học lại, thi lại, còn nếu bằng cấp chứng chỉ được cấp đúng thẩm quyền, đúng thủ tục thì không lý do gì phải thi lại.

Bên cạnh đó, GPLX là vật bất ly thân, nhỏ bé, hay mang theo người nên khi mất ví, mất túi, mất tài sản thì sẽ dễ mất luôn các loại giấy tờ trong đó có giấy phép lái xe. Bởi vậy, khi không may bị mất mà phải đi thi lại, nộp thủ tục, chờ đợi thời gian để thi lại rồi chờ cấp bằng, nhận bằng thì đó quả là một sự phiền toái không hề nhẹ với người dân.

Cần siết chặt việc đào tạo lái xe

Bàn về cách khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong khâu sách hạch lái xe còn nhiều gian lận hiện nay cũng như hạn chế việc TNGT Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng “phải xác định là do con người”. Theo đó, thay vì quản lý từ phần ngọn thì chúng ta phải xử lý phần gốc. Tức là, phải quản lý, siết chặt khâu sát hạch, thi cử, cấp GPLX không để cho cán bộ, nhân viên “làm luật”, “làm bừa”… 

img

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Đặc biệt, phải có cơ sở dữ liệu đồng bộ về thông tin người được cấp GPLX để thuận lợi cho cơ quan chức năng. “Hiện nay chúng ta tước bằng lái xe rất cơ học. Nghĩa là vi phạm ở đâu thì tước ở đó. Còn khi chúng ta có cơ sở dữ liệu đồng bộ thì chỉ cần khi nhập thẻ căn cước công dân thì có thể biết công dân điều khiển phương tiện giao thông đã vi phạm ở đâu, bao nhiêu lần, nếu trên cơ sở dữ liệu lưu trữ phát hiện công dân đã vi phạm mà vẫn tái diễn thì xử phạt thật nặng. Theo đó, chúng ta cần xác định được cơ sở dữ liệu công dân đồng bộ trên cả nước cũng như cần có cơ sở dữ liệu đồng bộ GPLX” – luật sư Tuấn Anh đưa giải pháp.

Nhấn mạnh về việc cần quản lý chặt chẽ việc đào tạo lái xe, cấp GPLX là vấn đề cần thiết, quan trọng trong bối cảnh không kiểm soát được tai nạn giao thông như hiện nay. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng trường hợp những cơ sở cấp GPLX không đúng quy định, không đủ tiêu chuẩn, người được cấp bằng không đủ khả năng, kỹ năng hiểu biết để tham gia giao thông thì trường đó cần phải bị áp dụng những chế tài, cần phạt nghiêm thậm chí có thể đình chỉ hoạt động.

“Phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, khi tham gia giao thông có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác bất cứ lúc nào, bởi vậy Bộ luật dân sự đã có một phần riêng dành để quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Pháp luật cũng quy định về việc người nào giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện điều khiển mà gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. 

Vậy trường hợp không đủ trình độ, khả năng, kỹ năng lái xe mà vẫn cấp bằng, vẫn cấp GPLX để họ tham gia giao thông rồi gây tai nạn thì cũng không khác gì giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ… mức độ nguy hiểm cũng không kém gì nhau. Với các trường hợp làm giả giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép giả để lừa dối cơ quan chức năng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan tố chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự” – luật sư Đặng Văn Cường phân tích.