Tôi xa quê, vào Nam sinh sống. Trên đường phố Sài Gòn hay gặp những người miền Trung vào đây kiếm sống lâu dài hay tạm bợ. Một người bán chổi gốc Quảng Ngãi trú mưa cùng tôi bên hè, mấy chục cái chổi trên xe anh ướt hết. Anh kể chuyện nhà cửa, quê hương. Mưa thế, lụt thế, hạn hán, nhưng hơn thế cũng phải đi kiếm thêm thu nhập ngoài mấy thửa ruộng. Đi kiếm thêm nhưng không lập nghiệp. Hết nông nhàn lại về quê bám lấy mảnh đất cằn sỏi đá của "xứ dân gầy!".
Người miền Trung là vậy. "Quê hương là đẹp hơn cả". Nhà điêu khắc nổi danh Điềm Phùng Thị trước khi ra đi vẫn kịp gửi gia sản nghệ thuật quý giá và nổi tiếng của mình cho quê hương. Họa sĩ Lê Bá Đảng vẫn đang giữ mối liên hệ thân thiết với bà con Quảng Trị.
GS Hoàng Xuân Hãn ôm một mối cô trung trên đất Pháp, vẫn làm thơ về núi Hồng Lĩnh quê nhà. Anh bán chổi trên đường phố Sài Gòn cũng vậy. Anh nói dù có nghèo mấy thì cũng để cho con cái được ăn học, chúng nó đi đâu tùy ý nhưng còn anh thì anh không bao giờ bỏ quê.
Tấm lòng, ý nghĩ hướng về miền Trung, hàng cứu trợ chen chúc chảy về miền Trung những ngày sau lũ vừa qua. Miền Trung của những mối lo, của tình thương ruột thịt, của sự cảm thông mảnh hình hài gầy nhất trên thân hình chữ S Việt Nam. Cả nước đang tìm mọi cách sẻ chia với bà con miền Trung, mong mỏi chút hơi ấm của mỗi người được san sẻ đều khắp đến người bị nạn mà không bị sứt mẻ, bớt xén.
Nếu hai đầu là hai thúng thóc với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, mưa nắng điều hòa thì miền Trung là chiếc đòn gánh "chín rạn hai vai" dẻo sức trai Đại Việt ngàn năm có lẻ. Người miền Trung luôn phải đương đầu với tai ách để cùng miền Bắc miền Nam quẩy cái gánh sơn hà hiên ngang đi tiếp mọi chặng đường lịch sử. Không vô cảm mà một chút thức giấc khó ngủ vì miền Trung, vì Tây Nguyên cũng đã đủ ấm lòng người, giúp sức mạnh vượt qua mọi khốn khó.
Nguyễn Quang Thân