Dân Việt

Vụ cầu nông thôn đặt tên Phó Chủ tịch xã: Đã trả lại tên cầu cho...dân

Chúc Ly - Ngọc Quyên 08/03/2019 06:45 GMT+7
Liên quan đến vụ dân bức xúc vì cầu nông thôn mang tên Phó Chủ tịch xã, sáng 7/3, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Xã đang làm báo cáo và sẽ gửi cho huyện vào sáng mai (8.3). Chiều hôm qua, 7/3, xã Vĩnh Bình đã tiến hành dỡ bỏ tên cầu.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phong cho hay: “Thông thường, cầu gần đất của ai thì gọi theo tên người đó cho dễ nhận biết. Tên cầu Ông Nguyên chỉ là tên tạm, còn tên chính thức thì chưa bàn đến. Lỗi ở đây là do bên phía thi công họ cứ nghĩ tên tạm đó là tên đặt chính thức, nên mới gắn bảng vô luôn. Cây cầu này cũng đi qua phần đất của ông Nguyên”.

Cũng theo ông Phong, sau khi có báo cáo thì sẽ chờ huyện xuống để có cuộc họp với người dân, nhằm đi đến thống nhất tên gọi cho phù hợp theo địa danh lịch sử, hoặc người có công. "Ngày chiều 7/3 (khoảng 17h) chúng tôi đã cho dỡ bỏ bảng tên cầu, sau cuộc họp với dân sẽ có tên chính thức" - ông Phong thông tin.

img

Cầu Ông Nguyên ở ấp 17, xã Vĩnh Bình. Ảnh: CTV.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, việc đặt tên như thế là không được. “Phải đặt theo địa danh, tên Anh hùng liệt sỹ, hoặc nhà tài trợ lớn... chứ không thể đặt như thế được, huyện sẽ trao đổi, kiểm tra lại vụ việc nêu trên” - ông Sơn cho hay.

Như Dân Việt đã thông tin, thời gian gần đây, người dân trên địa bàn ấp 17 (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) bức xúc về việc cầu giao thông nông thôn được đặt theo tên Phó Chủ tịch UBND xã.

Theo người dân tại đây, cây cầu này trước đây không có tên chính thức, người dân hay gọi là cầu Đình (vì ở đầu cầu có cái Đình) hay cầu Ông Côn (vì ông Côn là người cao niên ở đây). Tuy nhiên, sau khi xây cầu mới thì được đặt tên là cầu Ông Nguyên. Việc đặt tên cầu theo tên Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nguyên là chưa hợp lý vì ông Nguyên còn trẻ tuổi, lại chưa có công trạng gì lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tính - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Bình thông tin: “Tên cầu là do xã đề xuất, huyện cũng không biết. Vừa rồi, huyện cũng có chấn chỉnh lại việc đặt tên công trình phải gắn liền với lịch sử của địa phương, hoặc người cao niên hay người có công với cách mạng”.

“Huyện cũng mới nắm vụ việc, trong hồ sơ thiết kế thể hiện tên cầu là cầu Ông Nguyên. Tới đây, huyện sẽ đề nghị xã họp dân rồi thống nhất đặt tên cho có ý nghĩa, hài hòa nguyện vọng của người dân” - ông Tính cho biết.

Cầu Ông Nguyên thuộc công trình đầu tư lộ giao thông nông thôn hàng năm của huyện, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ bản của huyện làm chủ đầu tư, với tổng số vốn trên 900 triệu đồng (nguồn vốn từ ngân sách của huyện). Công trình được hoàn thành vào trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có bề rộng 4,4m; chiều dài 22m, với tải trọng thiết kế là 3 tấn.