Mới đây, 2 anh em Tam Mao bị “tố” thịt “chim quý” làm clip “Thần điêu xào xả ớt” đăng lên kênh Youtube A.T.T.M. Theo cộng đồng mạng, con chim bị làm thịt là Diều hoa Miến Điện, loài này nằm trong nhóm IIB, Nghị định 32 của Chính Phủ về Quản lý Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định.
Hai anh em Tam Mao có thể bị xử phạt nếu cơ quan chức năng xác định được đã thịt “chim quý”. Ảnh cắt từ clip.
Nhóm IIB quy định: “Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng”.
Sau khi nhận được nhiều phản ánh, clip “Thần điêu xào xả ớt” đã bị xóa khỏi kênh YouTube và Tam Mao cũng đã gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng với lý do đã làm ra “clip không được ủng hộ lắm”.
Liên quan đến vụ việc, ngày 7/3, ông Bùi Văn Quân – Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Chính quyền đã nhờ công an xã và kiểm lâm cùng công an kinh tế huyện Ba Vì đến nhà Tam Mao để làm việc. Hiện tại, lực lượng chức năng chưa xác định con chim bị thịt có phải loài Diều hoa Miến Điện hay không”.
Con chim bị làm thịt được cộng đồng mạng cho rằng là loài Diều hoa Miến Điện. Ảnh cắt từ clip.
Trao đổi thêm với PV về vụ việc, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, để có căn cứ xử phạt phải đợi kết quả xác minh của cơ quan chức năng xem đó là loài chim gì. Nếu loài này không nằm trong danh mục cấm thì không bị xử phạt.
Luật sư Thanh giả sử, trường hợp loài chim mà Tam Mao giết thịt là Diều hoa Miến Điện nằm trong nhóm IIB, 2 anh em có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào trị giá loài chim này.
Nếu bị xử phạt hành chính, người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng Điều 21 Nghị định số 157 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Cụ thể, Điều 21 xử lý vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất từ động vật rừng; giết động vật rừng trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi có tang vật vi phạm là động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị dưới 4.000.000 đồng.
Mức xử phạt sẽ được tăng lên tùy theo giá trị của con vật bị giết hại. Mức cao nhất quy định tại Điều 21 là phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi có tang vật vi phạm là động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ trên 160.000.000 đồng.
Trường hợp bị xử lý hình sự, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 234 Bộ luật hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
Điều 234 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng; hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng; hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trước đó, ngày 5/3, kênh YouTube A.T.T.M có đăng tải clip về món ăn “Thần điêu xào xả ớt”. Clip thu hút rất nhiều lượt xem chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đến ngày 6/3, cộng đồng mạng phát hiện con chim mà 2 anh em Tam Mao TV giống với loài Diều hoa Miến Điện, đây là một loài chim quý, cần được bảo vệ. Sau đó, clip “Thần điêu xào xả ớt” đã bị xóa khỏi kênh YouTube A.T.T.M.
Tam Mao TV đã đăng tải một clip khác phân trần về việc thịt “chim quý” làm clip và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng...