Dân Việt

“Bảo bối” trăm năm cất giấu cực kĩ trên núi của dân đảo Bản Sen

Thanh Tùng 10/03/2019 06:30 GMT+7
Bản Sen là một xã đảo còn tương đối khó khăn của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Ngoài nghề biển, xã đảo này còn có một giống cam quý trồng trên núi, được người dân nơi đây gìn giữ từ hàng trăm năm nay như một “bảo bối” làm giàu.

Theo những người già xã Bản Sen, cam Sen là giống cam bản địa quý truyền từ đời cha ông, cách đây hàng trăm năm. Đặc biệt, do khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây mà cam Sen khi chín có màu đỏ vàng, vỏ bóng, mọng trông rất đẹp mắt, bổ ra nước cam vàng sánh như màu mật ong, ăn rất ngọt. Chính vì thế, nhiều người vẫn gắn bó, gìn giữ giống cam quý này qua nhiều năm trồng cam. Ngoài ý thức bảo tồn, qua nhiều thế hệ, người trồng cam xã Bản Sen đã đúc rút kinh nghiệm chăm bón để mang lại giá trị kinh tế cao.

img

Vườn cam của gia đình chị Phạm Thị Thu, thôn Nà Sắn - xã Bản Sen.

Theo những lão nông giàu kinh nghiệm, cam Sen thường được chọn trồng ở những khu vực có hốc đá, bởi nước mưa rửa trôi, hoà tan đá vôi tạo hỗn hợp khử chua, giúp cam thơm, ngọt hơn. Minh chứng là cam ở các thôn Bản Sen, Đồng Gianh, Là Na… với gần 200 hộ trồng ở những khu vực có áng hoặc gần núi đá cho trái thơm, ngọt, ngon không nơi đâu có được.

img

Cam Sen được phân loại ngay tại vườn.

Ông Kiều Văn Tân (thôn Nà Na, xã Bản Sen) - một trong những hộ trồng cam giàu kinh nghiệm ở đây chia sẻ: Để có giống cam ngon, nhiều hộ gia đình còn chịu khó chế biến phân bón từ phân tổng hợp để bón tăng chất cho đất. “Thông thường cam Sen trồng khoảng 5 năm thì cho thu hoạch. Thế nhưng để đảm bảo cây khỏe, ra nhiều trái, những vụ cam đầu tiên người dân không thu hoạch mà vặt bỏ trái từ sớm để mùa sau cây sẽ khỏe, ra trái to, ngon và bền trong nhiều vụ. Nhờ vậy, nhiều cây cam trưởng thành mỗi vụ có thể cho từ 50 đến 70kg quả/cây. Mỗi vụ các hộ trồng cam có thể thu về vài trăm triệu đồng/ha."

img

Cam Sen chín quả to, mọng, ngọt, nhiều nước, sánh vàng như mật ong.

Nhờ sự ưu đãi của tự nhiên, kinh nghiệm chăm bón, cam Sen cho quả to, ngọt và có vị thơm đặc trưng. Cam Sen cho thu hoạch từ tháng 9 nhưng chủ yếu thu vào dịp Tết Nguyên đán. Cam Sen to, loại 1 đạt từ 3-4 quả/kg, cá biệt có quả đạt 0,5kg. Cam Sen có giá bán từ 40.000 đến 70.000 đồng/kg tùy loại, nhưng cung không đủ cầu, hái tới đâu bán hết tới đó.

Chị Phạm Thị Thu (thôn Nà Sắn, xã Bản Sen) cũng là một trong những hộ gia đình trồng cam lâu năm tại bản Sen. Bên những lồ cam mới thu hoạch, chị chia sẻ: Gia đình tôi trồng được hơn 3ha cam trên sườn núi. Vào vụ thu hoạch, hằng ngày gia đình tôi phải leo hơn 2km đường núi để hái Cam. Năm nay cam được mùa, nên đến thời điểm này vườn cam nhà tôi vẫn đang cho thu hoạch."

img

Cam được tập kết để đưa lên "cáp treo" thả xuống núi.

Chị Thu vui vẻ cho biết, cam Sen nhà tôi cho thu hoạch vào dịp trước Tết Nguyên đán khoảng gần tháng. Với 3ha cam, năm nay ước lượng cho thu hoạch đạt trên 10 tấn quả, giá bán dịp trước tết Nguyên Đán từ 50.000 – 80.000/kg, giá hiện tại từ 30.000 – 70.000/kg. Với giá bán như vậy, năm nay gia đình tôi cho thu hoạch trên 500 triệu đồng.

img

Cam Sen được vận chuyển xuống núi qua hệ thống dây ròng rọc.

Với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, người dân xã Bản Sen đã đưa cây cam phủ xanh những dải đất khô cằn nằm trên vách núi đá cheo leo; biến cây cam thành sản phẩm mũi nhọn của xã, giúp người trồng cam vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các hộ trồng cam nơi đây có thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi vụ.

Hiệu quả kinh tế từ trồng cam Sen nơi đây đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của xã nhà.     

img

Rồi lên thuyền vượt biển hàng giờ đồng hồ để vào tới đất liền.

Xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, Cam Sen xã Bản Sen đã được địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm Cam Sen đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam Sen ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và nghề trồng cam dần trở thành một nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.