Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng, theo ông, đâu là biện pháp cần triển khai ngay lúc này?
- Với đặc điểm chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán thì công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ đối mặt với nhiều thách thức và phụ thuộc vào chính ý thức của từng hộ dân.
Với các trang trại lớn, họ tuân thủ rất nghiêm túc các quy định của chăn nuôi an toàn sinh học nên thường an toàn trước nhiều đợt dịch bệnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường phải hứng chịu hậu quả nặng nề, không chỉ với đợt dịch tả lợn châu Phi lần này, mà trước đó là nhiều loại dịch bệnh khác.
PGS.TS.Phạm Kim Đăng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, điều cần thiết phải làm là nâng cao nhận thức của người chăn nuôi để bà con có ý thức cao trong phòng bệnh chứ không phải đợi đến khi có dịch rồi mới vội vàng triển khai các giải pháp tiêu độc khử trùng, đó chỉ là biện pháp chữa cháy.
Việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi chính là phải lựa chọn địa điểm chăn nuôi hợp lý nhất, đảm bảo cách ly tốt nhất; thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường cả trong và xung quanh khu vực chăn nuôi.
Mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan từ nguồn thực phẩm, từ chất thải của các hộ khác nên giải pháp cách ly, tiêu độc khử trùng là rất quan trọng.
Tôi tin nếu thực hiện đúng khuyến cáo về phòng bệnh, đảm bảo chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học thì dịch bệnh sẽ không có cơ hội xâm nhập chuồng trại của bà con, kể cả là dịch tả lợn châu Phi.
Nhưng một nguồn có thể lây bệnh dịch tả lợn châu Phi là các loài chim di cư. Theo ông, phải phòng tránh loài này như thế nào?
- Không chỉ có dịch tả lợn châu Phi mà nhiều loài dịch bệnh khác trên gia súc gia cầm đều có vật chủ trung gian; trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh, không có biện pháp chữa trị đặc hiệu thì cái người dân cần làm ngay lúc này là các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, cắt những nguồn có thể lây lan dịch bệnh vào trang trại ngay từ xa.
Chính vì vậy, khi phát hiện dịch phải báo cho ngành chức năng, chính quyền địa phương, nếu vẫn còn tình trạng bán tháo lợn ra ngoài thì dịch vẫn còn có cơ hội lây lan.
Có thể thấy rất rõ trong đợt dịch này, dịch chỉ xảy ra chủ yếu ở các nông hộ nhỏ, còn các trang trại lớn có ý thức phòng bệnh tốt, khả năng phòng vệ cao vẫn an toàn. Tôi cho rằng, đảm bảo cách ly vẫn là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, cần đảm bảo tốt khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng. Ảnh: Trần Quang.
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang có sự chuyển dịch khá rõ nét với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, theo đánh giá của ông, trong vài năm tới ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo chiều hướng nào?
- Với xu hướng phát triển như hiện nay khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn thì chăn nuôi nông hộ sẽ thu hẹp, doanh nghiệp phát triển. Thái Lan cũng từng phát triển chăn nuôi nông hộ nhưng hiện nay hầu như không còn, mà chỉ có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tôi cho rằng, đây là xu thế phát triển tất yếu.
Vậy, người nông dân cần làm gì để duy trì sinh kế và làm giàu bằng nghề chăn nuôi, thưa ông?
- Bà con có thể phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, hiện đại, quy mô lớn hoặc tham gia liên kết với doanh nghiệp để cũng đầu tư, sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Đây cũng là cách làm hướng đến chuyên nghiệp hóa.
Ông có lời khuyên nào cho người chăn nuôi lúc này?
- Trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp bà con phải thay đổi ngay tập quán chăn nuôi, thực sự coi trọng vấn đề an toàn sinh học và phòng bệnh cho vật nuôi, phải đảm bảo cách ly, ngăn chặn nguồn lây lan bệnh như vận chuyển, mua bán thực phẩm, tham quan, giao lưu giữa các hộ gia đình với nhau, tất cả phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 8/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 560 hộ, 210 thôn, 84 xã, 27 huyện của 10 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên). |