Mặc dù vậy, tiến độ tái canh cây cà phê hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên (trừ tỉnh Lâm Đồng), diễn ra rất chậm do việc tái canh loại cây này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro lại cao.
Chuyên gia của Bayer Việt Nam hướng dẫn nông dân cách ghép cà phê. Ảnh: Quốc Hải
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu đầu tư mới cho 1ha cà phê mới, chi phí cần khoảng 200 triệu đồng, dù Chính phủ có chủ trương cho vay vốn nhưng để được vay, nông dân phải thực hiện đúng quy trình do Bộ NNPTNT đưa ra, như bắt buộc phải luân canh ngô, đậu, bông vải... từ 2-4 năm. Với những nông dân sống chủ yếu dựa vào cây cà phê thì đây là thời gian khá dài họ mất đi nguồn thu.
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng chuỗi giá trị cho cà phê Việt Nam, hình thức bắt tay giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân để tạo ra các chuỗi cung ứng cà phê bền vững từ vườn trồng đến tay người tiêu dùng, được xem là giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, giải pháp này dường như chỉ có chỗ cho DN lớn.
Chẳng hạn tại Đăk Nông, năm 2011, có đến hơn 10 DN triển khai mô hình chuỗi cung ứng bền vững nhưng hiện giờ chỉ còn 3 DN tồn tại. Trong khi đó, một số mô hình chuỗi cung ứng cà phê bền vững hiện nay đang thuộc các DN lớn.
Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 phối hợp Công ty Jacobs Douwe Egberts (Hà Lan) triển khai chuỗi cung ứng cà phê bền vững từ năm 2015, với kinh phí do Quỹ Đầu tư tài chính quốc tế IFC tài trợ. Kết quả, dự án đã thành lập được chuỗi liên kết cung ứng cà phê bền vững giữa các nhà sản xuất, kinh doanh cà phê với 5.000 nông hộ trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, sản xuất trên diện tích 7.822ha cà phê.
Quy mô lớn nhất phải kể đến là Dự án NESCAFÉ Plan. Đây là chương trình Hợp tác công - tư giữa Nestlé, Bộ NNPTNT, Viện Nghiên cứu và các cơ quan khuyến nông địa phương tại 5 tỉnh Tây Nguyên, được thực hiện từ năm 2011 đến nay.
Theo đó, dự án đã góp phần cải tạo 20.000ha diện tích cà phê già cỗi, phân phối hơn 27 triệu cây giống cho nông dân; tập huấn và đào tạo cho hơn 200.000 nông dân về canh tác bền vững; giúp hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, nâng cao chất lượng và sản lượng cà phê, tăng 30% thu nhập cho nông dân.
Đặc biệt, dự án đã giúp bảo vệ môi trường thiên nhiên nhờ giảm 40% lượng nước tưới, giảm 20% sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.