Tích cực tham gia tập huấn
Có mặt tại các buổi tập huấn ở Hưng Yên và Thái Bình, chúng tôi cảm nhận rõ sự nghiêm túc và khẩn trương của cả thầy và học viên tham gia lớp học đặc biệt này. Từ sự chuẩn bị các trang thiết bị dạy và học, thực hành, đến việc lựa chọn đối tượng tham gia học đều rất bài bản. Quá trình học, học viên và thầy giáo cùng trao đổi sôi nổi, hỏi đáp nhiều về các vấn đề liên quan đến DTLCP.
Bà Hạ Thúy Hạnh (thứ 2 từ phải) cùng cán bộ thú y địa phương kiểm tra công tác phòng dịch tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình) ngày 7.3. Ảnh: Trần Quang
Sắp tới Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ phối hợp Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp bàn về các giải pháp, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh DTLCP cho khoảng 300 đại biểu là cán bộ khuyến nông, nông dân tiêu biểu ở các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Hồng. |
"Lần này tham gia tập huấn, chúng tôi không chỉ được học nhiều kiến thức hay, mới lạ về dịch bệnh mà còn được tham gia thực hành. Nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn về dịch bệnh, nâng cao năng lực, trình độ để có thể giúp bà con nông dân phòng, chống dịch bệnh tốt hơn" - ông Nguyễn Tường Bao - cán bộ khuyến nông xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy (Thái Bình) nói.
Chia sẻ với phóng viên NTNN, học viên Bùi Văn Tứ - cán bộ thú y xã Đông Hải, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, là huyện có dịch, hiện chúng tôi đã và đang vào cuộc rất quyết liệt, mong sớm khống chế được dịch bệnh để bà con bớt thiệt hại.
"Trong 2 ngày tập huấn, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tiếp thu các kiến thức mới về phòng, chống DTLCP. Học xong, chúng tôi sẽ truyền lại các thông tin, kỹ thuật nhằm giúp bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất" - ông Tứ nói.
TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay: Trước tình hình DTLCP lây lan nhanh khó kiểm soát, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia vào cuộc hỗ trợ, hướng dẫn nhóm ở trong vùng đệm (cách vùng dịch 10km) và vùng nguy cơ cao (cách 3km). Cụ thể, hệ thống khuyến nông sẽ tham gia vào các công việc đào tạo, tập huấn để bà con chăn nuôi an toàn có kiểm soát.
"Sau khi có chỉ đạo, chúng tôi đã có công văn gửi các trung tâm của 63 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, hệ thống khuyến nông tại các tỉnh, thành đã và đang vào cuộc cấp tập xử lý tiêu độc, khử trùng; tăng cường hướng dẫn bà con chăm sóc cho đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã triển khai 2 lớp tập huấn TOT về công tác phòng chống dịch cho cán bộ khuyến nông ở nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên là Hưng Yên và Thái Bình" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Đông đảo học viên tham gia khóa tập huấn TOT kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học và kiểm soát bệnh DTLCP
Bà Hạnh hy vọng, sau đợt tập huấn này, các cán bộ được đào tạo sẽ về địa phương mình để truyền lại kiến thức cho khuyến nông tuyến xã và bà con nông dân, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt "5 không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt)...
Cần nông dân vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn
Cũng theo bà Hạnh, trong các chương trình, dự án khuyến nông triển khai trong chăn nuôi lợn như thụ tinh nhân tạo, nuôi lợn an toàn sinh học ở đồng bằng Sông Hồng, phát triển đàn lợn bản địa Hà Giang và một số tỉnh khác..., hệ thống khuyến nông sẽ lồng ghép đưa các thông tin về đào tạo, tập huấn phòng, chống DTLCP để bà con ở vùng đệm yên tâm phát triển, ổn định chăn nuôi.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan phức tạp hơn, bà Hạnh cho rằng, ngoài những cố gắng từ phía chính quyền như lập chốt, tiêu độc, khử trùng..., cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía người dân.
"Bà con có thể tự lập chốt để ngăn cản việc vận chuyển lợn ra, vào vùng chăn nuôi. Trong lúc này, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm việc phòng dịch và chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi của mình. Nếu ở trong vùng dịch, mọi người cần chấp hành quy định của pháp luật và giám sát không để tình trạng vứt lợn chết dịch ra ngoài môi trường…" - bà Hạnh khuyến cáo.