Dân Việt

Bộ trưởng NNPTNT nói về tiêu thụ nông sản: ND không thể đứng đơn lẻ

Thanh Nguyên (thực hiện) 10/03/2019 19:00 GMT+7
Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu nông sản diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong bối cảnh thị trường đang ngày càng cạnh tranh gay gắt, người nông dân không thể đứng đơn lẻ.

img

Thưa Bộ trưởng, những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản Bộ đặt ra trong năm nay là gì?

- Năm 2018, sản xuất nông sản Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu của gần 100 triệu dân mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu (XK) tới 42 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng của nông nghiệp có giá trị XK 1 tỷ USD trở lên. Đây là một bước tiến rất lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2019 và những năm tới đây, để xác định hàng nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi nông sản giá trị toàn cầu là những thách thức rất lớn, trong đó phải kể đến ba nhóm thách thức cơ bản.

Một là, phải tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa, có quản trị. Đây là một thách thức rất lớn.

img

Người dân cần đẩy mạnh liên kết trong các hợp tác xã. Ảnh: T.L

Năm 2019, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm nông sản chính đạt 21 tỷ USD, thủy sản đạt 10,5 tỷ USD; lâm nghiệp đạt 10,5 tỷ USD, chăn nuôi đạt 0,8 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng khác.

Thứ hai, chúng ta phải tổ chức nền sản xuất nông nghiệp làm sao thích ứng được với biến đổi khí hậu, trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 nước tổn thương lớn nhất. Việt Nam phải có những giải pháp tổng thể, lựa chọn đối tượng sản xuất cho đến quy trình... để làm sao thích ứng được với phương châm biến bất lợi thành lợi thế. Đây mới là lựa chọn khôn ngoan.

Thách thức thứ ba là hội nhập sâu rộng, tính cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Khi Việt Nam muốn tham gia XK vào chuỗi giá trị toàn cầu thì phải chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt.

Trước tình hình đó đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, gỡ được 3 nút thắt, tồn tại, bất cập lớn mới mong hàng nông sản Việt XK tốt hơn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Rõ ràng để tháo gỡ được những nút thắt này không phải là câu chuyện riêng của ngành nông nghiệp. Vậy xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Đúng là câu chuyện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phải là câu chuyện của riêng Bộ NNPTNT với Bộ Công Thương. Đây là sự đòi hỏi tái cơ cấu một ngành hàng kinh tế, đòi hỏi sự vào cuộc chung của cả ba trục. Một là khu vực Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện thể chế làm sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Trục thứ hai là các DN, hiệp hội ngành hàng. Trong hội nhập cũng như trong tổ chức hàng hóa hiện nay, nếu không có DN chắc chắn không thể thành công. DN sẽ là hạt nhân trong chuỗi liên kết.

Chúng ta hiện nay tự hào có 1 vạn DN trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp, có khoảng 49.000 DN chế biến tham gia ở những phân khúc khác nhau, tạo ra sản phẩm phụ trợ nông nghiệp.

Chúng ta phải coi đây là một thành tố rất tốt để trên nền tảng đó phát triển nhiều hợp tác xã theo chương trình phát triển 5 vạn hợp tác xã từ nay đến năm 2020. Một trong những thành tố liên quan là người dân. Người dân không thể đứng đơn lẻ mà phải vào hợp tác xã, thành lập hợp tác xã.

Bên cạnh thúc đẩy XK, gần đây, phát triển thị trường nội địa cũng rất được quan tâm. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về điều này?

- Xu hướng tất cả các nền kinh tế phát triển đều phải lấy nội nhu làm trọng mới bền vững, sau đó mới bứt phá mở rộng chắc chắn ra các thị trường khác. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp, động lực để có thể xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về điểm yếu dai dẳng trong xây dựng thương hiệu nông sản XK của Việt Nam?

- Muốn xây dựng một thương hiệu sản phẩm đòi hỏi phải có quá trình. Kể cả Chính phủ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN, người dân rất muốn có những nông sản thứ hạng đi sâu vào đời sống chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là mong muốn chung nhưng đòi hỏi quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ, điều này rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính như hiện nay.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!