Dân Việt

Tăng giá điện theo lộ trình, đừng để doanh nghiệp “sốc”

Minh Huệ (thực hiện) 09/03/2019 06:30 GMT+7
Chia sẻ với PV Báo NTNN, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, thông tin giá điện sẽ tăng 8,36% vào cuối tháng 3.2019 khiến không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành bị “sốc” và lo lắng, bởi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến giá thành tăng theo.

img

Thưa ông, ở góc độ ngành sản xuất, chế biến cá tra – một trong những ngành chủ lực của lĩnh vực thủy sản, ông nghĩ sao nếu giá điện tăng 8,36%?

- Thông tin này khiến hầu hết DN trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản đều rất lo lắng. Bởi hiện nay, nguồn điện tiêu thụ cho nuôi trồng, chế biến, hoạt động các nhà máy thức ăn thủy sản đều rất lớn. Do đó, nếu tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tất cả các kế hoạch sản xuất, chi phí sẽ đội lên không nhỏ, kéo theo giá thành tăng cao, trong khi tình hình cạnh tranh trên thị trường hiện nay ngày càng khốc liệt, khiến các DN đã khó khăn lại càng khó khăn.

img

  Mỗi tháng, chi phí sản xuất cá tra tại một nhà máy có công suất trung bình lên tới vài tỷ đồng. Ảnh minh họa: I.T

Đối với 1 nhà máy sản xuất cá tra công suất trung bình, chi phí tiền điện có nhiều không thưa ông?

- Với giá điện như hiện nay, 1 nhà máy sản xuất cá tra có công suất trung bình mỗi tháng phải trả khoảng vài tỷ đồng tiền điện. Tôi ví dụ có 1 DN chế biến cá tra khá lớn ở Đồng Tháp, mỗi tháng riêng chi phí tiền điện đã lên tới cả chục tỷ. Ước tính tỷ lệ tiêu hao điện năng cho hệ thống đá vẩy, tủ đông, kho đông, điều hòa không khí… ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là chế biến cá tra đông lạnh xuất khẩu chiếm trên 85%. Nay nếu giá điện tăng lên 8,36%, nhân với số tiền điện 10 tỷ đồng, chi phí đội lên rất lớn.

Tôi cũng đã trao đổi với nhiều DN, anh em đều bày tỏ sự lo lắng. Mỗi lần tăng giá điện, Bộ Công Thương đều đưa ra khuyến cáo phải điều chỉnh máy móc, điều hành, tiết kiệm kho lạnh khi cần thiết… Thực tế những khuyến cáo này không cần thiết. Mọi quy trình sản xuất, các DN đã phải tính toán rất cụ thể, chi tiết và thực hành tiết kiệm từ lâu rồi.  Nhiều DN cũng muốn sử dụng nguồn năng lượng sạch, nhưng với một nhà máy sản xuất lớn thì chi phí đầu tư lên tới hàng chục tỷ, thậm chí 20-30 tỷ, trong lúc bối cảnh sản xuất khó khăn thế này, tiền đâu ra?

  Trước mắt, DN sẽ phải bố trí lại thời vụ sản xuất, tập trung vận hành máy móc và tăng cường sản xuất vào những giờ thấp điểm, lắp đèn led cho xưởng sản xuất, văn phòng,  nhà kho...

Liệu giá bán sản phẩm có tăng lên nhiều không?

- Chắc chắn các DN sẽ phải tăng giá bán sản phẩm, do giá thành thức ăn thủy sản tăng, giá thành sản phẩm đông lạnh tăng và hầu như các khâu đầu vào sản xuất khác đều tăng… Nếu đầu ra thị trường tốt thì còn đỡ, nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm thì cá tra sẽ phải nằm trong kho lâu hơn, khiến giá thành càng bị đẩy lên cao hơn. Hiện nay không ít các nhà máy chế biến đã tăng cường máy móc để giảm nhân công lao động, kéo theo tăng sử dụng điện.

Vậy ông có kiến nghị gì không?

- Chúng tôi đề nghị ngành điện cần xem xét, có chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Đừng vì một vài vấn đề của riêng ngành điện mà làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Theo tôi nên tăng giá điện theo lộ trình. Ví dụ, có thể thí điểm chỉ tăng 3-4% rồi từ đó nghiên cứu, xem xét thực tế thế nào, chứ ngay lập tức tăng tới 8,36% thì DN nào cũng bị “sốc”. Vấn đề nữa, nên sớm có ưu đãi về vốn vay tín dụng để các DN chuyển đổi sử dụng thiết bị điện cũ sang máy móc mới nhằm tiết kiệm năng lượng, cũng như chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời…

Xin cảm ơn ông!