Dân Việt

Kiên Giang: Bỏ việc ở phố về quê theo đuổi đam mê lan rừng

Với diện tích gần 600 m2, chị Châu Mỹ Hương, ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tận dụng trồng gần 1.000 giò lan, với trên 100 giống lan các loại. Để có những giống lan này trong vườn, chị đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để tìm kiếm, sưu tầm, trong đó, có các giống lan rừng quý hiếm như: giả hạc, nghinh xuân, vũ nữ, hồ điệp, trầm, hạc vỹ...Đây là kết quả của tâm huyết, đam mê, công sức và tiền bạc của chị bỏ ra sau hơn 9 năm bỏ việc về theo đuổi đam mê trồng lan rừng...

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm, vườn lan của chị Hương tuy nhỏ nhưng được bố trí bài bản về không gian, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, nguồn nước, chế độ dinh dưỡng phù hợp với đặc tính của một số loài lan.

img

Chị Châu Mỹ Hương, ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bên các giò lan.

Trước đây, trong một lần đi tham quan vườn lan với một người bạn, chị Hương nhận thấy mình yêu thích và có niềm đam mê với hoa lan. Năm 2010, chị Mỹ Hương quyết định nghỉ việc rồi chuyển từ Rạch Giá về xã Mỹ Lâm ở hẳn để có chỗ rộng rãi, thoáng đãng trồng lan.

Ban đầu, chị Hương sưu tầm một số giống lan công nghiệp về trồng với quy mô nhỏ về sau thấy cây lan được nhiều người chơi săn lùng nên chị quyết định chuyển hướng qua trồng lan rừng theo hướng vừa chơi vừa để kinh doanh.

Để lan ra hoa đẹp và phát triển tốt, chị Hương thường xuyên nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm trồng lan từ trên mạng Internet, mạng xã hội cũng như những khách hàng đến mua lan. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm trồng lan, lan mua về không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên một số không ra hoa hoặc bị héo lá rồi dẫn đến chết.

Chị Châu Mỹ Hương, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất tâm sự: “Để có một giò lan đẹp, từ lúc mua lan về thuần đến lúc bán được phải mất từ 2 - 3 năm chăm sóc. Với niềm đam mê lan nên mình thường tìm kiếm những giống lan mới, đặc biệt là những giống lan quý hiếm mang về để thuần....Bạn khó cảm nhận được tâm trạng của một người đam mê hoa lan khi họ cất công thuần thành công một loài lan rừng nào đó...”.

Cũng theo Chị Châu Mỹ Hương cho biết, giữa lan rừng và lan công nghiệp, mỗi loài lại có một vẻ đẹp riêng. Các giống lan công nghiệp được lai tạo thường chọn ra những cây có màu sắc đẹp, đã được thuần dưỡng nên khá dễ trồng, dễ chăm sóc. Còn đối với những giống lan được khai thác từ rừng nên quá trình chăm sóc khá tỉ mỉ và kỳ công hơn.

Theo chị Hương, lan rừng là loại ưa ánh nắng vừa phải nên vườn được thiết kế có lưới che, bố trí giàn treo giò lan cách mặt đất từ 1 - 1,5 m đảm bảo độ thông thoáng, trong quá trình trồng phải thường xuyên theo dõi để có biện pháp xử lý khi cây lan bị bệnh. 

Chị Châu Mỹ Hương, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất cho biết thêm: “Trồng lan không khó nhưng phải tưới nước bằng hệ thống phun sương hàng ngày, cứ 7 ngày thì tiến hành tưới phân, 2 tuần thì xịt thuốc nấm/lần để phòng ngừa bệnh đạo ôn, nem nép, cháy bìa lá, đốm vằn, đốm nâu”.

Nhiều năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân ngày một nâng lên, thú vui chơi lan, thưởng thức lan ngày càng phổ biến, nên nhiều lúc vườn lan của chị không đủ hàng để cung cấp. Mỗi giò lan phụ thuộc vào độ quý hiếm, vẻ đẹp và hương thơm của mỗi loài mà có giá khác nhau.

Trung bình mỗi năm, chị Hương xuất bán hàng trăm giò lan khác nhau, với giá dao động từ 40 ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng/giò. Phần lợi nhuận bán được, chị lại tiếp tục đầu tư cho những giống lan mới, có giá trị kinh tế cao và mở rộng vườn quy mô hơn. 

Chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất nói: “Chị Mỹ Hương là một người phụ nữ rất đam mê trồng lan để phát triển kinh tế gia đình. Vườn lan của chị có rất nhiều loại lan quý hiếm, vào những tháng cuối năm thì lượng khách đến mua cũng rất đông. Thấy vậy, Chi hội Phụ nữ ấp cũng tạo điều kiện để gia đình chị được vay vốn, mở rộng quy mô trồng lan hơn nữa”.

Nghề trồng lan không những góp phần tăng vẻ mỹ quan, cải thiện môi trường sinh thái, mà còn là sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho người trồng. Ngoài ra, đây cũng là một hình thức chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp mang lại lợi nhuận ổn định cho người nông dân trong thời gian tới./.