TP.HCM là một trong những địa phương tiêu thụ lượng lớn heo thịt mỗi ngày, với khoảng 10.000 – 11.000 con (tương đương 750 – 800 tấn), trong đó Công ty Vissan chiếm 10%, cung cấp thịt heo và các sản phẩm từ heo tới 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Chính vì thế, vấn đề phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đã được UBND TP.HCM triển khai quyết liệt. Cùng với đó, việc đảm bảo nguồn thịt để bình ổn thị trường, không bị thiếu hụt cũng được thành phố chú trọng.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, công tác phòng chống dịch đã được ngành nông nghiệp chủ động triển khai. Thành phố chưa tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhưng cũng đã đưa ra nhiều phương án trong trường hợp có dịch xảy ra.
Trường hợp thiếu hụt nguồn cung do dịch bệnh thì phải nhập khẩu thịt từ các quốc gia không có dịch bệnh về. Việc này được các ngành chức năng làm việc và giao nhiệm vụ cụ thể cho các công ty, đơn vị sản xuất các sản phẩm từ heo.
Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, công ty Vissan có kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu thịt heo đông lạnh và thịt mát.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết Sở đã phối hợp với Sở NNPTNT làm việc với một số đơn vị, trong đó có Công ty Vissan triển khai thuê kho lạnh để thu mua thịt heo đông lạnh phục vụ cho nguồn dự trữ. Hiện công suất kho lạnh của Vissan đạt 3.600 tấn/ngày, trong khi nhu cầu của TP.HCM khoảng 800 tấn/ngày.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, không dịch bệnh, Công ty Vissan đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho các trang trại của công ty ở một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Một lãnh đạo công ty cho hay, hiện công ty có nhiều sản phẩm sản xuất từ thịt heo như giò chả các loại, xúc xích, sản phẩm đóng hộp… Từ tháng 10.2018, công ty đã triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh khi các nước phát hiện ổ dịch. Đặc biệt, trong mấy tháng đầu năm 2019, khi dịch bệnh diễn biến lây lan ra 13 tỉnh, thành thì công ty vào cuộc ngày càng quyết liệt hơn.
Các biện pháp được Vissan triển khai như: Tăng cường tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ chuồng trại của Vissan và các đối tác, kiểm soát nguồn heo hơi, kiểm soát việc vận chuyển heo sống, kiểm soát các khu vực nuôi nhốt, giết mổ của công ty, các đơn vị cung cấp heo cho công ty cũng như tại các trang trại của Vissan đều phải thực hiện nghiêm việc phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại.
Đặc biệt, cung cấp nguồn thực phẩm ra thị trường phải có kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Việc nhập khẩu thịt heo được các ngành chức năng giao nhiệm vụ cụ thể cho các công ty, đơn vị sản xuất các sản phẩm từ heo.
Đại diện phòng kinh doanh công ty cho hay: Công ty cũng đặt ra nhiều tình huống cụ thể để ứng phó. Đặc biệt trong trường hợp xảy ra dịch bệnh tại thành phố thì các sản phẩm heo sẽ không vận chuyển, kinh doanh tại các địa phương xảy ra dịch bệnh và xung quanh ổ dịch khoảng cách 3km, trong thời gian này phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng ít nhất 3 tuần.
Hiện mỗi ngày Công ty Vissan đang giết mổ 1.000 con/đêm, cung ứng ra thị trường 64 tấn thịt heo/ngày. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, công ty có kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu thịt heo đông lạnh và thịt mát bằng đường biển, đường hàng không tại các quốc gia không có dịch bệnh để thay thế lượng thịt heo giết mổ thiếu hụt.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã làm việc với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam để chuẩn bị nguồn giống tái đàn sau dịch, làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp về nguồn gà giống… Đồng thời, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM bố trí lực lượng kiểm tra, đặc biệt tập trung ở chợ đầu mối kiểm soát kiểm tra nguồn gốc của thịt heo.