Lực lượng đặc nhiệm Anh được triển khai trên mặt đất nhằm giúp đồng minh của Anh - quân nhân thuộc quyền quản lý của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC). Sự tham gia đáng kể đầu tiên của quân nhân Anh ở Libya là một điệp vụ giải cứu chỉ vài tuần trước khi phong trào nổi dậy chống nhà lãnh đạo Gadhafi nổ ra.
Sử dụng nhiều radio chứng tỏ sự điều phối tinh vi giữa các lực lượng ở Libya. Ảnh: John Cantlie. |
Giải cứu thành công
Ngày 3.3.2011, một số máy bay vận tải C130 của Không lực Hoàng gia Anh hạ cánh xuống một đường băng vắng vẻ tại khu vực Zilla ở miền nam Libya để giải cứu các công nhân nước ngoài. Nhiều công nhân bị các tay súng và kẻ cướp Libya đe dọa. Các máy bay đưa 150 công nhân nước ngoài, trong đó có khoảng 20 người Anh tới sân bay Valletta ở Malta một cách suôn sẻ, dù một chiếc bị trúng đạn từ mặt đất ngay sau khi cất cánh.
Đồng hành cùng các chuyến bay giải cứu là 24 thành viên thuộc Phi đội C của Lực lượng đặc nhiệm hải quân Anh SBS. Họ là những người đảm bảo an toàn cho khu vực hạ cánh. Điệp vụ giải cứu là một sự can thiệp bí mật và ngắn hạn nhằm phòng chống nguy cơ công nhân bị bắt cóc hoặc sát hại. Điệp vụ này không gây nhiều tranh cãi trong giới lãnh đạo cấp cao của Anh.
Đặc nhiệm Hải quân Anh SAS. Ảnh: Martin Frost. |
Tuy nhiên, các sự kiện sau đó diễn biến theo hướng ngày càng hỗn loạn và bạo lực. Các lực lượng vũ trang của Libya chia rẽ và thành phố Benghazi nổi lên là trung tâm của phe nổi dậy (sau này được gọi là lực lượng cách mạng trực thuộc NTC).
Chính phủ Anh tìm cách thiết lập liên lạc với NTC theo cả hai cách công khai và bí mật. Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh MI6 tìm cách tăng cường liên lạc với một số đầu mối Libya trong lực lượng đối lập. Một số nhân viên MI6 được gửi tới một thành phố gần Benghazi để gặp một trong những người này. Họ lên trực thăng Chinook bay từ Malta tới Libya vào ban đêm.
Phi đội E, một đơn vị cực kỳ nhạy cảm của lực lượng đặc nhiệm, được giao nhiệm vụ bảo vệ những đầu mối liên lạc của Anh. Sáu thành viên Phi đội E được chọn là những thành viên ưu tú của cả 3 đơn vị đặc nhiệm Hải quân (Đơn vị Không quân Đặc biệt - SAS, Đơn vị Thuyền Đặc biệt - SBS và Trung đoàn Trinh sát Đặc biệt - SRR).
Họ được trang bị nhiều loại vũ khí và thiết bị liên lạc. Để duy trì vai trò nhạy cảm của Phi đội E, họ mặc thường phục hoặc áo liền quần, mang theo nhiều hộ chiếu. Các nhân chứng nói họ mang vũ khí, đạn dược, bản đồ và hộ chiếu của 4 nước khác nhau.
Cầu nối thất bại
Máy bay trực thăng chở họ hạ cánh xuống Libya khiến người dân địa phương tò mò. Lực lượng đối lập rất nghi ngờ gián điệp và những kẻ hám lợi người nước ngoài nên 6 lính đặc nhiệm Anh bị bắt và đưa tới Benghazi.
Điệp vụ thất bại ở Benghazi càng khiến phía Anh lúng túng, mất mặt khi chính quyền Gadhafi công bố nội dung cuộc điện thoại nghe lén, trong đó một nhà ngoại giao Anh xin NTC thả nhóm đặc nhiệm. Hậu quả là những người khởi xướng việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ lật đổ chế độ ở Libya bị cho ra rìa trong nhiều tháng.
Theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước được phép sử dụng vũ lực “để bảo vệ thường dân và khu vực có thường dân sinh sống khỏi nguy cơ tấn công”, không được phép có “lực lượng chiếm đóng nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào trên bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Libya”.
Tuy nhiên, các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Anh cho rằng không kích không thôi thì không đủ, cần cung cấp thiết bị và huấn luyện các lực lượng của NTC.
Đầu tháng 4.2011, sáu sĩ quan Anh đến ở một khách sạn bên bờ biển tại Benghazi, không mang vũ khí, với vai trò hết sức hạn chế. Họ được giao nhiệm vụ giúp NTC thành lập Bộ Quốc phòng có trụ sở đặt tại một nhà máy ở ngoại ô thành phố.
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của nhóm cố vấn Anh là tập trung điều phối các nhóm chiến binh Libya thường lái xe bán tải có vũ trang chạy lòng vòng.
Can thiệp sâu dần
Trong khi giới chính khách và luật sư Anh lo ngại về tính pháp lý của việc tăng cường hỗ trợ trực tiếp trên mặt đất thì một việc xảy ra khiến họ quyết tâm theo đuổi kế hoạch. Đầu tháng 4.2011, máy bay NATO ném bom nhầm một đơn vị của NTC.
Các sĩ quan Anh và Pháp trên đất Libya được phép phối hợp chặt chẽ hơn với NTC để ngăn chặn những sự cố tương tự. Nhóm cố vấn Anh chuyển tới nhiều địa điểm, như thành phố Misrata - nơi NATO tập trung không kích. Nhiều người trong cuộc cho rằng, nhóm cố vấn đã bí mật điều phối một số vụ không kích của NATO.
Cuối tháng 8.2011, giới chức Anh đồng ý cho một số ít cố vấn trực tiếp tham gia huấn luyện các đơn vị NTC. Một số nguồn tin nói rằng, số thành viên Phi đội D của Trung đoàn SAS 22 được gửi tới Libya là 24. SAS hoạt động sát cánh cùng lực lượng đặc nhiệm của Qatar tại Libya.
Đặc nhiệm Qatar được cho là đã cung cấp cho NTC những vũ khí như tên lửa chống tăng Milan… Một số thành viên SAS đã đi theo những chỉ huy NTC mà họ huấn luyện về các đơn vị của Libya. Đặc nhiệm Anh ăn mặc như người Libya và hòa mình vào các đơn vị mà họ huấn luyện, mà không bị báo chí phát hiện.
Ngày 20.10.2011, Đại tá Gadhafi bị bắt và sau đó bị lính NTC giết, sau khi NATO không kích đoàn xe chở các nhân vật chủ chốt của chế độ Gadhafi trên đường họ chạy khỏi thành phố Sirte sáng cùng ngày. Binh sĩ Anh trên mặt đất có nhúng tay vào việc này? Chưa ai đưa ra câu trả lời.