“Bật xi-nhan trái, tăng tốc lên. Không được, từ sau phải nhớ không nhập làn quá sớm, phải để xe thoát xa xe phía sau. Nhập quá sớm như vậy dễ gây tai nạn”.
Đó là ấn tượng tích cực nhất mà tôi có thể nhớ khi học lái xe hồi năm 2007. Trong cả quá trình học lý thuyết và thực hành, mọi thứ đều diễn ra quá dễ dàng và thậm chí, khi cầm tấm giấy phép lái xe (GPLX) trên tay, tôi vẫn nghĩ mình chưa thể cầm lái ra đường một cách vô tư.
Mỗi tỉnh hằng năm cấp hàng chục nghìn GPLX, như Bắc Ninh mỗi năm cấp 40.000 cái, tỉnh Nghệ An cấp đến hơn 140.000 cái.
Thầy dạy lái xe của tôi là một người thân quen tại trường nghề bên quân đội. Anh dùng xe riêng để huấn luyện học viên của mình. Tôi có tổng cộng 4 buổi sáng học thực tế với xe trên đường cộng 2 buổi làm quen với xe chip và sa hình tại sân thi. Mọi thứ chỉ dừng lại ở việc làm sao đạt điểm để được cấp GPLX.
Khuyến cáo nhập làn của anh là điều duy nhất tôi cảm thấy thực sự có giá trị khi tham gia giao thông thực tế. Những thứ khác đều phụ thuộc vào ý thức và cả sự… tử tế khi cầm lái.
Tôi có một người anh họ đeo quân hàm thiếu tá bộ đội biên phòng, anh có 25 năm lái xe cho đơn vị. Có lần anh bảo: “Cái bằng lái xe của các cậu bây giờ chẳng khác nào tờ giấy phép… giết người”.
Theo anh, chiếc ô tô khi lưu thông trên đường, nếu lái ẩu, cầm lái vô ý thức và thiếu kỹ năng thì nó thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ khí của các ngành vũ trang. Vì đơn giản, nó có thể giết hàng loạt người mà kẻ giết người chỉ phải chịu án phạt nhẹ, đền bù một khoản tiền cho bên bị tai nạn.
Một chiếc xe container cán chết cả loạt người đang dừng chờ đèn đường, một chiếc xe khách “mất lái” lao xuống vực sâu làm hàng chục người thương vong, một chiếc xe 7 chỗ chở cả gia đình đi đám cưới cố lao qua đường tàu để rồi ngày vui trở thành ngày đại tang… Tất cả đều rất thật và đau xót, tang thương. Tại sao vậy?
Ai đó nghĩ ra từ “xe điên” để ám chỉ những hung thần ấy. Nhưng hoàn toàn không phải, chiếc xe không điên, chỉ có người lái mới điên. Mà người lái điên, là do sự cẩu thả, sự tham lam ích kỷ, và cả sự yếu kém trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Nói gọn trong một chữ, là “ẩu”.
Để rồi, khi tai nạn thảm khốc liên tiếp xảy ra, khi tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng, thay vì đi tìm cái gốc vấn đề để giải quyết thì chúng ta lại loay hoay đi cắt tỉa phần ngọn.
Kẻ gây tội là người lái xe, điều đó đúng. Nhưng tại sao lại nhiều “sát nhân” như vậy? Đơn giản, chính là vì sự cẩu thả trong cấp phép.
Phần lớn người học lái xe trong sa hình để thi đạt điểm, chứ khó có thể cầm lái ra đường sau khi có GPLX.
Công tác đào tạo, sát hạch bây giờ hầu như chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người học làm sao để đạt điểm, để đủ điều kiện nhận GPLX. Không ai chỉ cho họ hiểu về chiếc xe, không ai chỉ cho họ những kỹ năng xử lý chiếc xe vượt qua những tình huống nguy hiểm, không ai chỉ cho họ tư thế ngồi đúng để có tầm quan sát tốt nhất, không ai chỉ cho họ cách cầm vô-lăng và đánh lái thế nào để thoát hiểm…
Thậm chí, như phóng sự điều tra của báo Lao Động nêu, tình trạng “bao đỗ” còn diễn ra phổ biến. Trước đây, khi xe chip chưa được đưa vào sử dụng, học viên còn được thầy dạy ngồi cạnh… lùi xe giúp để qua bài.
Trong một buổi tham gia chương trình huấn luyện kỹ năng lái xe cho CSGT được tập đoàn Toyota tổ chức, kết thúc chương trình, một sỹ quan mang quân hàm cấp tá có nói với tôi: “Anh chưa bao giờ được tiếp cận những kỹ năng thế này”.
Thế đấy. Chúng ta đang cấp GPLX tràn lan, mỗi tỉnh hằng năm cấp hàng chục nghìn GPLX. Như tỉnh Bắc Ninh mỗi năm cấp 40.000 cái, tỉnh Nghệ An thậm chí còn cấp đến hơn 140.000 cái. Chúng ta cấp GPLX, còn việc lái thế nào cho an toàn thì đó là việc của… người lái.
Đôi lúc tôi chỉ ước, giá như chúng ta bớt tham lam ích kỷ đi, chúng ta siết chặt ngay từ đầu thì tình trạng tai nạn, ùn tắc cũng đâu đến nỗi. Nếu trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng lái xe, cả ý thức và văn hoá giao thông cho người lái xe, thì những tang thương hẳn đã không như thời gian qua. Có khi, chỉ một cú bấm còi vô ý cũng đủ gây ra tai nạn; có khi, chỉ vì cách sử dụng đèn pha vô ý thức cũng làm cho người đối diện không thể trở về nhà…
Đôi lúc, tôi thèm được thấy những học viên lái xe khi ra đường có các cán bộ giao thông ngồi cạnh kiểm soát, chỉ cần một hành vi lái xe vô ý thức là cho học lại từ đầu.
Chẳng ai muốn gây tai nạn, chẳng ai muốn dính vào lao lý cả. Nhưng rất nhiều người lái xe không hề được trang bị đầy đủ kỹ năng và được uốn nắn ý thức lái xe… Đó mới là điều căn bản chứ không phải việc bắt người lái học lại từ đầu khi lỡ bị… mất GPLX.
Kỹ năng có thể học, nhưng ý thức và văn hoá giao thông mới là điều căn bản. Cấp GPLX như bây giờ, nói thẳng, chẳng khác gì “cấp phép giết người”.