Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn được tổ chức chiều ngày 11.3 tại TP.HCM.
Việc đào tạo nhân lực cho HTX được nhiều địa phương quan tâm.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT), đào tạo nhân lực cho HTXNN là khâu được các các cấp, ngành và địa phương quan tâm nhất.
Hết năm 2018, cả nước đã có 40 tỉnh tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX; thu hút được 351/1.550 nhu cầu cả giai đoạn lao động trẻ đã qua đào tạo cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTXNN.
Riêng đào tạo cán bộ, năm 2018 cả nước đã bố trí trên 130 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo này. Trong đó, kinh phí Trung ương cấp qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 72,0 tỷ đồng; và cũng dành riêng 29 tỷ đồng trong kế hoạch đào tạo lược lượng cán bộ, lao động kỹ thuật trẻ về HTX.
Ngoài đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất, HTX phải hướng đến nâng cao kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất, tài chính.
Công tác đào tạo nghề đã tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cho các chuỗi nông sản với trên 95.000 lao động nông thôn (32%). Trong đó chú trọng đào tạo kỹ thuật sản xuất công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh ATTP cho các lao động tham gia sản xuất các mặt hàng chủ lực có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu.
Năm 2018 đã đào tạo được 59.000 lao động nghề cho thành viên HTX (chiếm 20%). Ngoài đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất, các địa phương đã tập trung đào tạo cho đối tượng là kế toán, quản lý HTX nhằm nâng cao kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất, tài chính cho các HTX.
Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo cho 161.000 lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách nhằm an sinh xã hội nông thôn (chiếm 48%), ưu tiên lao động ở các vùng biên giới, hải đảo.
Năm 2018, cả nước có 13.856 HTX và 39 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
Tính đến hết năm 2018, cả nước có 13.856 HTX và 39 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng 1.920 HTX và 09 liên hiệp hợp tác xã so với năm 2017. Đồng thời cũng đã giải thể được 381 HTX/700 HTX cần giải thể.
Năm 2019, ngành kinh tế hợp tác và PTNT đặt nhiệm vụ thành lập mới tối thiểu 2.000 HTXNN trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động cuả các HTXNN, phấn đầu có tối thiểu 60% được đánh giá ở mức khá giỏi.
“Muốn phát triển HTXNN kiểu mới hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị thì khâu quan trong số một là củng cố, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn của HTX”, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục KTHT&PTNT nhấn mạnh.
Ông Lê Đức Thịnh Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Theo ông Thịnh, các ngành cần có sự phối hợp để tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo nghề của HTX, doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút cán bộ trẻ về làm việc ở các HTX nông nghiệp.
Trong việc phát triển HTX hiện nay, đội ngũ tư vấn am hiểu về HTX đang thiếu trầm trọng. Cần thí điểm xây dựng các nhóm tư vấn phát triển HTX tại mỗi địa phương với sự hỗ trợ của các Viện, trường có uy tín. Đồng thời, cố gắng tận dụng nguồn nhân lực của các viện trường, để tham gia đào tạo, tập huấn và giảng dạy cho các bộ các cấp làm công tác PTNT.