NHUỘM LƯỚI CHỐNG BÁM BẨN
Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng có tiềm năng lớn để trở thành một trong những ngành kinh tế xuất khẩu quan trọng.
Thời gian qua, hoạt động vệ sinh, xịt lưới nuôi cá là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sông Chà Và, ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi, năng suất và chất lượng cá. Do đó, việc ứng dụng KH-CN vào quá trình nuôi là một trong những khâu then chốt giúp nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững.
Công nghệ nhuộm lưới chống bám bẩn giúp bảo vệ môi trường, giảm chi phí nhân công súc rửa lưới.
Theo anh Phan Hoàng Sơn, lưới dùng để nuôi cá lồng bè bình thường rất nhanh bám các chất cặn bã, thức ăn thừa của cá, chất phù du, rong rêu có trong nước, nên hàng tuần anh và các hộ nuôi phải thường xuyên giặt rửa lưới, vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí nhân công.
Anh Sơn tính toán, với khoảng 20kg lưới dùng cho các bè nuôi, chỉ riêng tiền nhân công thay và giặt lưới, mỗi tháng anh mất 3 triệu đồng. Từ khi sử dụng công nghệ nhuộm lưới chống bám bẩn bằng công nghệ Na Uy, cứ 20kg lưới, sau khi nhuộm sẽ tăng lên 23kg và anh chỉ phải trả tiền nhuộm 3kg.
“Với giá 219.000 đồng/kg (cho thời gian sử dụng 1-2 tháng), tính ra tôi chỉ mất 657.000 đồng tiền nhuộm. Như vậy, mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm được 2-3 triệu đồng nhờ áp dụng công nghệ nhuộm lưới chống bám bẩn. Hơn nữa, công nghệ này giúp môi trường vùng nuôi được bảo đảm tốt hơn, cá lớn nhanh hơn”, anh Sơn phân tích.
Nuôi cá bằng lồng làm bằng nhựa chịu lực HDPE giúp cá lớn nhanh hơn, môi trường nuôi thông thoáng hơn.
Theo ông Ulrik Ulriksen, Giám đốc kinh doanh Công ty Steen Hansen, lợi ích khi nhuộm lưới chống bám bẩn là lưới sạch hơn, tiết kiệm chi phí thay lưới và rửa lưới từ 7 - 10 ngày/lần; môi trường sống của cá tốt hơn; cá tăng trưởng tốt hơn do luồng ô xy ổn định qua các mắt lưới; giảm số lượng cá chết do các bệnh gây ra từ vật bám; tiết kiệm chi phí cho cá ăn…
NUÔI CÁ BẰNG LỒNG NHỰA
Khác với nuôi cá biển quy mô nhỏ bằng lồng gỗ, nuôi cá biển lồng bè theo công nghệ Na Uy mang lại nhiều kết quả khả quan. Theo đó, lồng bè công nghệ Na Uy được thiết kế dạng lồng tròn hoặc vuông từ chất liệu nhựa chịu lực HDPE.
Hệ thống lồng nuôi này cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ - nơi môi trường nước trong sạch, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lồng nuôi bằng công nghệ nhựa chịu lực HDPE có khả năng chịu được sóng to, gió lớn, mưa bão ở cấp 12.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, công nghệ nhuộm lưới chống bám bẩn và công nghệ nuôi cá biển trong lồng tròn được sản xuất bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE là những công nghệ hiện đại của Na Uy.
Qua thực tế tại vùng nuôi sông Chà Và, với công nghệ này, cá được sống trong môi trường thoáng khí, lưu thông của nước dễ dàng, từ đó cung cấp đầy đủ oxy nên cá ăn khỏe và nhanh lớn.
Anh Nguyễn Duy Hải, chủ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn cho biết, hơn 2 năm nay anh áp dụng nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy. Hiện nay, bè nuôi của anh có 5 lồng tròn với 25.000 con cá chim, 5.000 con cá bớp...
Theo anh Hải, do chu vi lồng lớn (rộng 100m, độ sâu từ 4 - 6m) nên cá nuôi trong lồng tròn được trao đổi oxy tốt hơn, cá được vận động thoải mái hơn, ăn tốt hơn nên mau lớn hơn. Qua thời gian nuôi, cá biển nuôi trong lồng tròn tại bè của anh Hải đã mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống.
“Giá thành loại lồng tròn này còn khá cao, khoảng 210 triệu đồng/lồng, nhưng bù lại tuổi thọ của lồng cũng khá lâu (khoảng gần 30 năm), cao gấp nhiều lần lồng bè bằng gỗ và năng suất nuôi cao hơn lồng nuôi truyền thống. Nếu tính về hiệu quả kinh tế thì lồng bè nhựa chịu lực HDPE vẫn là lựa chọn tối ưu cho người nuôi”, anh Hải nói. |