Dân Việt

Nông dân Hà Nội tăng thu nhập, bớt lo khi có giống cây tốt

Đỗ Minh 13/03/2019 13:09 GMT+7
Những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, khôi phục và sản xuất nhiều loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá và dễ nhân rộng.

Thử nghiệm nhiều giống lúa, đậu mới

Vụ xuân năm nay, xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) bước vào vụ thứ 2 gieo cấy giống lúa LTH31.

Theo ông Nguyễn Hà Tuyển - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hợp Tiến, vụ xuân 2019, toàn xã gieo cấy 10ha giống lúa LTH31. Giống lúa này được ngành nông nghiệp Hà Nội sản xuất và chứng nhận. Vụ trước, giống LTH31 cho năng suất khoảng 2,5 tạ/sào, cao hơn so với một số giống lúa khác nên được xã viên rất ủng hộ.

Đây là giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, tính thích ứng rộng; cho năng suất, chất lượng cao; chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là khả năng chống bệnh đạo ôn khá.

Ngoài lúa, đậu tương là giống cây được ngành nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu, chọn tạo thành công và đưa vào sản xuất. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, đậu tương là cây trồng chủ lực trong vụ đông của Hà Nội. Để nâng cao chất lượng và chủ động nguồn giống, những năm qua, trung tâm đã đưa một số giống đậu tương vào khảo nghiệm sản xuất để so sánh, tuyển chọn.

img

Mô hình trồng đậu tương đông cho năng suất cao tại xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).  Ảnh: Yên Nghĩa

Về cây lâm nghiệp, từ năm 2012 đến nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã công nhận 9 nguồn giống, điển hình như mắc ca, thông, keo lai, keo tượng, gió bầu… Đặc biệt, Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng vườn ươm tạo nguồn cây giống phục vụ phát triển cây xanh đô thị và trồng rừng sinh thái trên địa bàn.

Kết quả, 3 giống có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Nội đã được tuyển chọn, trong đó nổi trội nhất là giống đậu tương ĐT26. Đến nay, giống đậu ĐT26 đã được trồng tại các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên…

Trong thời gian canh tác ngắn, người nông dân có thể đạt mức lãi ròng 700.000 - 800.000 đồng/sào, gấp đôi, gấp 3 lần trồng lúa. Không chỉ lợi về kinh tế, bà con còn không phải lo nghĩ về chất lượng giống cho vụ đông (tức vụ đậu tương chính trong năm).

Tạo động lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Thực tế, việc trình diễn các giống cây trồng mới không chỉ thay thế các giống cũ có năng suất, chất lượng kém mà còn góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng ngoại thành Hà Nội.

Thành công của mô hình trình diễn các giống cây nông, lâm nghiệp mới đã tạo động lực cho các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy hình thành các hợp tác xã, tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, để cung ứng nguồn giống bảo đảm chất lượng cho sản xuất nông nghiệp, hàng năm, Sở tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm hơn 70 lượt giống cây trồng mới, chủ yếu là các giống lúa, đậu tương, lạc, khoai tây, khoai lang, hoa, cây ăn quả… Kết quả, 40 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với tập quán canh tác và sinh thái của Hà Nội đã được đề xuất bổ sung và đưa vào cơ cấu giống của Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả trong sản xuất giống cây trồng, thời gian tới, ngành NNPTNT Hà Nội tập trung rà soát, điều chỉnh các chương trình, đề án, dự án phát triển liên quan đến công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp…, qua đó, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cải tạo, nhân giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất của Hà Nội và cả các địa phương lân cận.