Bà chia sẻ, nếu biết cách, nông dân hoàn toàn có thể làm giàu.
Hiện trang trại của bà Thư sở hữu đàn lợn rừng lên đến 300 con, một đàn gà thập cẩm: Từ gà sao, Đông Cảo, gà Hồ, gà Mông mà chưa lần nào đếm được đầy đủ có bao nhiêu con, rồi ao cá, thỏ, nhím... và đặc biệt là 7 gian nhà kính rộng hàng nghìn mét vuông chuyên trồng rau, quả sạch.
Bà Thư thu hái rau, củ từ trang trại. |
Duyên cớ làm nông dân
Nhiều người khi đặt chân đến khu trang trại ngăn nắp tại thôn 6, xã Ba Trại, Ba Vì (Hà Nội) vẫn nghĩ bà Đào Thị Kim Thư là một kỹ sư nông nghiệp, ít ai biết chuyện làm trang trại của bà chỉ là một cơ duyên.
Hì hục khuân những bao tải rau mới thu hoạch, chuẩn bị đưa về Hà Nội phục vụ cho nhu cầu của gia đình và nhà hàng của mình, bà Thư kể: Chuyện tôi làm trang trại rất tình cờ, đất thì mình có lâu rồi nhưng để trồng rau, nuôi lợn, chăn gà thì cũng chỉ mới cách đây 3 năm. Tôi vốn là người làm kinh doanh nên chẳng biết gà, lợn là gì, và cũng chẳng bao giờ nghĩ mình lại làm nông dân như bây giờ.
Năm 2008, cô con dâu sinh cho bà đứa cháu đích tôn, lúc đó cho cháu ăn gì cũng sợ hóa chất độc hại, bà quyết định lên Ba Vì đầu tư chăn nuôi để phục vụ gia đình. Lúc đầu chỉ có 4 con lợn Mán, sau đó bà mua được một con lợn rừng đực của một người dân tộc săn được, cho chúng phối với nhau. Lợn mẹ đẻ lợn con, lợn cháu, bây giờ trang trại của bà luôn ổn định khoảng 300 lợn rừng lai với lợn Mán.
Bà Thư kể, hàng ngày công việc kinh doanh rất bận rộn nhưng bà vẫn dành thời gian mua sách chăn nuôi về đọc, cũng từ đó biết cách phòng trừ bệnh nên trang trại của bà hầu như chưa bị dịch bệnh ghé thăm bao giờ.
Ham làm trang trại, đã có lúc bà Thư bỏ ra một lúc mấy chục triệu đồng để mua giống cây ăn quả. Bà bảo, nếu bỏ vài triệu ra mua một món đồ hiệu thì tôi phải phân vân nhưng bỏ tiền ra mua cây, con giống thì tôi chẳng bao giờ tiếc. Nhiều khi bà hì hụi làm lưới để bảo vệ thỏ khỏi chó nhà hàng xóm tấn công mà quên cả công việc kinh doanh của mình. Vì cây cối, gà lợn, rau quả đã chiếm mất khá nhiều thời gian của bà, nhưng bà cho biết nếu biết làm nông nghiệp một cách khoa học, bền vững, người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu.
Chỉ cần thực phẩm sạch
Cho tới bây giờ, sau hơn 3 năm làm trang trại, bà Thư đã đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, và một phần cho nhà hàng Hải Cảng của mình. Và cái giá đầu tư cho những bữa ăn sạch không phải là rẻ. Để trồng thử nghiệm giống dưa vàng Kim cô nương của Trung Quốc, bà Thư đã đầu tư 7 gian nhà kính rộng hàng nghìn mét vuông với hơn 1 tỷ đồng, mời hẳn 3 chuyên gia trồng dưa là kỹ sư nông nghiệp của Trung Quốc sang trang trại của mình ăn ở suốt 3 tháng trời để trồng lứa dưa đầu tiên.
Là người được giao nhiệm vụ phục vụ các chuyên gia trồng dưa suốt 3 tháng, anh Trung - quản lý trang trại cho biết: Cứ 5 giờ sáng chuyên gia Trung Quốc đã có mặt ở nhà kính, họ cặp nhiệt độ từng chiếc lá một để theo dõi thân nhiệt của dưa, rồi cân từng lạng phân bón, đong từng ca nước để tưới, khi phát hiện con côn trùng nào thì họ chỉ dùng tay để diệt.
Lúc dưa ra hoa, họ tự tay ngắt từng bông hoa đực cho thụ phấn với hoa cái, lập hồ sơ theo dõi từng gốc dưa một. Các chuyên gia cũng tính toán làm sao một gốc dưa có thể cho bao nhiêu trái, nuôi bao nhiêu chiếc lá thì đủ và trọng lượng của từng quả dưa khi chín. Sau 3 tháng, vụ dưa trồng thử nghiệm thu được 12 tấn dưa. Các chuyên gia kết luận dưa ngọt, thơm, vỏ mỏng, thịt dày và giòn hơn trồng ở Trung Quốc.
Bỏ ra cả đống tiền, nhưng toàn bộ số dưa thu hoạch được, bà Thư dùng làm quà tặng bạn bè, khách hàng thân thiết. Bà Thư cho biết, miễn đồ sạch là mình yên tâm, còn chuyện giá trị kinh tế thì với bà điều đó chưa bàn tới.
Vừa giết thịt chú lợn 25kg, chuẩn bị chuyển về nhà hàng Hải Cảng cho khách hàng đặt mua, anh Bình cho biết: Lợn của trang trại lai giữa lợn rừng và lợn Mán, chỉ ăn cám gạo và sắn, lại được thả trong môi trường bán hoang dã, nên thịt ngọt, không khô và ăn không bị ngán, có mùi thơm đặc trưng của lợn tự nhiên. Anh Bình còn cho biết, không chỉ lợn, gà, nhím mà tất cả các loại rau do trang trại sản xuất đều sạch, không hóa chất, vì quan điểm của trang trại là làm sạch để ăn sạch và ăn ngon.
Sau một buổi “đi chợ” từ chính trang trại của mình trở về thành phố với thịt sạch, rau sạch, trứng sạch, cá sạch, bà Thư cho biết: Không chỉ gia đình bà được ăn thực phẩm sạch, mà khách hàng của hệ thống nhà hàng Hải Cảng do gia đình bà làm chủ cũng được thưởng thức những món ăn sạch. Đó cũng là một cách lo cho sức khỏe của cộng đồng.
Nguyễn Gia Tưởng