CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố nội dung bằng văn bản xin ý kiến cổ đông về việc thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng vốn huy động với quy mô lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chào bán 250 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài
Theo đó, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ cho tối đa 5 tổ chức nước ngoài để huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng (tương ứng 250 triệu cổ phần). Tuy nhiên, tổng số lượng cổ phần được chào bán trên thực tế và số lượng cổ phần phân bổ cho từng nhà đầu tư sẽ do HĐQT quyết định. Giá chào bán mỗi cổ phần là trên 100.000 đồng, mức giá cụ thể sẽ do HĐQT quyết định.
Để trở thành tổ chức nước ngoài tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần đáp ứng 4 tiêu chí mà Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra bao gồm: Tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập hợp pháp và hoạt động theo luật pháp sở tại; Có năng lực tài chính mạnh và quy mô lớn, có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của Vingroup; Không được là công ty con của Vingroup, không được là công ty mà có chung công ty mẹ với Vingroup; Có hoạt động tương đồng trong các lĩnh vực kinh doanh của Vingroup và (hoặc) có khả năng hỗ trợ, bổ trợ cho Vingroup.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, việc chào bán cổ phần nhằm giúp tập đoàn này có thêm nguồn vốn để đầu tư góp vốn vào các công ty con; Thanh toán các khoản nợ gốc, lãi các khoản vay đến hạn; Bổ sung vốn lưu động cho hoạt đông kinh doanh của tập đoàn và các công ty con; Nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh của Vingroup và tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, cho phép thực hiện thành công chiến lược phát triển Vingroup và các công ty con.
Cụ thể, trong số 25.000 tỷ đồng vốn huy động lần này, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sử dụng 10.000 tỷ đồng (tương đương với 40% số tiền huy động) dành để trả các khoản gốc và lãi vay năm 2019; dành 6.000 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con bao gồm VinFast, VinSmart và VinTech. Trong đó, đơn vị thành viên sản xuất và kinh doanh ôtô (VinFast) dự kiến nhận nhiều vốn nhất (3.000 tỷ đồng). Số tiền còn lại là 9.000 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn cho tập đoàn và các công ty con.
Thời gian chào bán sẽ diễn ra trong năm 2019, HĐQT sẽ quyết định thời điểm cụ thể. Cổ phiếu chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Thương vụ phát hành này nếu thành công sẽ tăng đáng kể quy mô vốn của Vingroup. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp nhất của tập đoàn này đạt lần lượt là 289.105 tỷ và 99.059 tỷ đồng. Vốn điều lệ là trên 32.756 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV.2018
Trước đó vào tháng 8.2018, Vingroup cũng đã chào bán 84 triệu cổ phiếu ưu đãi cho Công ty Quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc thu về 9.300 tỷ đồng (tương ứng 400 triệu USD).
Cuộc “chơi lớn” của vị tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam
Năm 2018 tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện truyền thông với những dự án tỷ USD. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để Vingroup chuyển mình, trở thành một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, mà còn là cơ sở để ông Phạm Nhật Vượng hiện thực hoá khát vọng để “thế giới biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp”.
Đặc biệt, cụm từ khóa “VinFast” và “Vinsmart” không chỉ thu hút sự quan tâm giới đầu tư - kinh doanh hay truyền thông, mà đã dần trở nên quen thuộc đối với số đông người dân, được tìm kiếm nhiều trên Google gắn liền với tên tuổi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup.
Tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam Phạm Nhật Vượng
Nhắc tới tỷ phú Phạm Nhật Vượng, không ít người sẽ ngay lập tức liên tưởng tới sự kiện đình đám, dự án tỷ USD diễn ra trong năm 2018 do Tập đoàn Vingroup thực hiện như giới thiệu mẫu xe máy điện VinFast, như ra mắt xe hơi VinFast tại Paris, ra mắt điện thoại thông minh Vsmart, khánh thành hạng mục đầu tiên của tòa nhà chọc trời Landmark 81.
Nếu sự kiện khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng vào ngày 2.9.2017 với quy mô tổ hợp trị giá 3,5 tỷ USD đã xác lập ô tô trở thành lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của tập đoàn Vingroup sau bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec) và nông nghiệp (Vineco) thì sự xuất hiện của những VinConnect, VinSmart, VinTech hay Vindigex trong năm 2018 và 2019 là những động thái mới nhất của Vingroup nhằm hiện thực hóa chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ mà doanh nghiệp này đã công bố vào cuối tháng 8.2018.
Ông Phạm Nhật Vượng bên chiếc xe của VinFast. (Ảnh: P.V)
Chưa dừng lại, cuối tháng 2.2019 vừa qua, những hình ảnh về dây chuyền tự động hoàn thành thân vỏ xe SUV Lux SA 2.0 ở nhà máy VinFast được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và theo đúng tiến độ thì ngày 6.3, chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất, đánh dấu thành công của chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ô tô thương mại “made in Vietnam”.
Đây cũng là khâu cuối cùng đánh dấu VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hoàn tất việc lắp đặt và sẵn sàng đi vào vận hành nhà máy sau đúng 18 tháng tham gia ngành công nghiệp ô tô. Dự kiến, ô tô VinFast Fadil và VinFast Lux phiên bản thương mại sẽ lần lượt được bàn giao cho khách hàng trong quý II và quý III năm nay.
Mẫu điện thoại VinSmart của tập đoàn Vingroup. (Ảnh: I.T)
Sau khi ra mắt 4 mẫu smartphone vào cuối năm 2018, VinSmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến ra mắt hơn 10 mẫu smartphone VinSmart trong năm 2019 này. Chưa kể, Vingroup đã chính thức khai trương Công ty VinTech Hàn Quốc tại thành phố Daegu, Hàn Quốc.
Những động thái liên tục gần đây của Vingroup cho thấy tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các cộng sự đang thực hiện các bước đi thực sự để đưa Vingroup chuyển mình trở thành một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
“Một khi công nghệ, công nghiệp phát triển rồi thì mình có thể góp phần đổi đời cho rất nhiều người. Ví dụ như người nghèo bây giờ một tháng thu nhập của họ không đáng kể, nhưng nếu họ trở thành những công nhân công nghệ bình thường thôi, lương của họ cũng sẽ cao hơn nhiều”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng cho hay.
Tuy nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định: “Chuyển hướng sang công nghệ không phải là buông bỏ những thứ khác”.
Đây có lẽ là một cuộc chơi lớn đầy thử thách đối với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tuy nhiên áp lực về tài chính của Vingroup cũng không nhỏ. Đây là lý do Vingroup lên phương án huy động một lượng vốn “khủng” trong năm 2019 để hiện thực hóa mọi kế hoạch lớn mà ông chủ tập đoàn này đã toan tính.
Nếu thành công thì đây sẽ là thương vụ huy động vốn quy mô lớn hàng đầu của Việt Nam và dự kiến mang về nguồn ngoại tệ lớn.