Ý chí và nghị lực
Con đường thảm nhựa phẳng phiu nối dài từ huyện Tam Nông đến thị trấn Sa Rài đã không còn là niềm mơ ước xa xôi, những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên hai bên đường, những cánh đồng lúa xanh rì thẳng tắp mênh mông; các khu chợ sầm uất trong vùng dự án với các loại hình thương mại, dịch vụ đa dạng tạo nên một vùng kinh tế phát triển tiềm năng…
Nông dân thu hoạch lúa ở vùng kinh tế quốc phòng Tân Hồng, Đồng Tháp. |
Cuộc sống của người dân trong vùng Dự án Kinh tế - quốc phòng đã khấm khá hơn, cảnh chạy lũ, thiếu đói hàng năm giờ đã lùi xa. Ít ai có thể ngờ, những người làm nên những đổi thay này là cán bộ chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 959.
Đoàn KTQP 959 được thành lập vào tháng 11. 2003 – tiền thân là Nông trường Giồng Găng (cũ), với nhiệm vụ trọng tâm là kết hợp cùng địa phương thực hiện các chương trình lồng ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng Dự án khu KTQP thuộc địa bàn huyện Tân Hồng và một phần của huyện Tam Nông, tạo nên thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc khu vực biên giới.
Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận nhiệm vụ mới, đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 959 thật sự là một thách thức không nhỏ: Thiếu nhân lực, vật lực, khoa học kỹ thuật… Họ vốn chỉ quen với công tác quân sự, chưa từng làm kinh tế. Cuộc khai phá một góc vùng Đồng Tháp Mười chỉ dựa trên ý chí và nghị lực của những người lính…
Là khu vực biên giới với hơn 80% dân số trong vùng Dự án KTQP, các xã của huyện Tân Hồng chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, các diện tích đất sản xuất được giao khoán cho nông dân canh tác, nông trường chỉ đảm bảo các dịch vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu…
Nông dân chủ yếu chỉ gieo trồng một vụ với các “giống lúa thịt”, khả năng chống chọi với các loại dịch bệnh gây hại kém nên lúa thường cho năng suất thấp hoặc bị mất mùa… Trước thực trạng đó, Ban chỉ huy Đoàn KTQP 959 đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để giúp nông dân trong vùng dự án ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Thí điểm cánh đồng mẫu
Bước đầu, đơn vị lập kế hoạch trình địa phương hỗ trợ của cán bộ chuyên môn từ phòng nông nghiệp và trạm bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn thường xuyên cho bà con biết cách áp dụng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất theo lịch thời vụ...
Tranh thủ nguồn kinh phí từ tỉnh và trung ương đầu tư cho vùng dự án nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh thủy lợi nội đồng giúp cho việc bơm rút nước phục vụ tưới tiêu được thuận lợi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn…
Đại tá Lê Hồng Linh – Chính ủy Đoàn KTQP 959 cho biết: “Để nông dân có thể làm giàu trên chính thửa ruộng của mình, đơn vị đã tham mưu cùng cấp ủy địa phương tiến hành thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu theo hướng hiện đại, với các giống lúa xuất khẩu cho năng suất và chất lượng cao, tổng diện tích trên 11.000ha.
Ngoài ra, hệ thống kênh thủy lợi và các tuyến đê bao chống lũ khép kín cũng được đầu tư nạo vét, nâng cấp phục vụ cho việc tưới tiêu đúng theo lịch thời vụ, tạo vành đai an toàn bảo vệ cho các diện tích đất sản xuất trong vùng dự án, người dân đã có thể xuống giống 3 vụ trong năm, đảm bảo ăn chắc.
Đặc biệt, đơn vị còn phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông huyện thực hiện đề án cánh đồng lúa giống với diện tích 170 ha”. Những hộ áp dụng trồng thử nghiệm rất phấn khởi vì được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cán bộ kỹ thuật, diện tích lúa gieo trồng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, với năng suất đạt gần trên 6,5 tấn/ha, giúp cho những hộ dân trong vùng dự án không phải tất bật lo chuyện lúa giống vào đầu mùa vụ.
Nhờ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên năng suất lúa tăng lên theo từng mùa, tổng sản lượng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đời sống người dân từng bước được cải thiện, với thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Út, xã Giồng Găng, ông canh tác gần 6ha, gia đình ông áp dụng theo mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao.
Mùa này năng suất bình quân đạt 45 giạ/công, trừ các khoản chi phí, ông còn lãi trên 100 triệu đồng. Không chỉ riêng đối với ông Út mà hầu hết những hộ dân trong vùng dự án đã có cuộc sống khá hơn, hộ thu nhập thấp nhất cũng trên 50 triệu đồng/năm. Họ đã có tiền xây nhà khang trang, cuộc sống ổn định, con cái học hành đàng hoàng.
Bắc cầu no ấm
Cùng với việc giúp người dân đứng vững trên cánh đồng, đoàn 959 còn thực hiện các chương trình lồng ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng đúng tiến độ và thực hiện có hiệu quả. Một trong những công trình nổi bật là cầu Giồng Găng bắc qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và cầu Tân Phước bắc qua kênh Phước Xuyên nối liền hai tỉnh Đồng Tháp - Long An với tổng kinh phí 25 tỷ đồng.
Tuyến đường Tân Thành B - Quốc lộ 30 với chiều dài hơn 10km tổng kinh phí trên 30 tỷ, đến nay đã đạt 2/3 tổng khối lượng công trình; đoạn đường từ cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà - Prâyveng nối theo tuyến đường xuyên Á đi Phnom Penh (Campuchia) có chiều dài gần 28 km cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Những công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, mua bán giữa nhân dân trong và ngoài nước được thuận tiện, phát huy tiềm lực về phát triển kinh tế trên địa bàn giáp ranh biên giới.
Hệ thống các chợ trong toàn huyện đều được đầu tư, xây dựng cơ bản nhất là chợ huyện, chợ biên giới và một số chợ xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hoá đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Trên lĩnh vực giáo dục, hệ thống trường lớp được xây dựng cơ bản, từng bước xã hội hoá các loại hình giáo dục, đào tạo như: Trường bán công, bán trú.
Đến nay, toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, số lượng giáo viên đạt chuẩn ngày càng tăng. Các cụm tuyến dân cư vượt lũ cũng được xây dựng hoàn thành, như cụm dân cư Giồng Găng, Cà Vàng – Thông Bình, Cây Dương – Tân Hộ Cơ đã di dời trên 3.000 hộ dân vùng ngập lũ ở khu vực giáp ranh biên giới vào ở ổn định. Đồng thời phối hợp cùng các đoàn thể địa phương tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân.
Không chỉ lo cho người dân hết đói, đoàn 959 còn chăm lo cho sức khỏe của những người nông dân nghèo trong vùng. Phòng khám quân - dân y kết hợp Giồng Găng thuộc xã An Phước, huyện Tân Hồng từ khi đi vào hoạt động đến nay đã giải quyết được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân khu vực và những vùng lân cận. Hiện, cơ sở này đang được đầu tư nâng cấp lên thành Phòng khám Đa khoa cơ sở 2 trực thuộc Bệnh viện Quân y tỉnh với 50 giường bệnh, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho điều trị, đáp ứng cho nhu cầu chữa trị cho nhân dân ngày một tốt hơn…
Bà Trần Thị Á, xã Tân Phước cho biết: “Ai có ngờ rằng bộ đội Đoàn KTQP 959 lại giỏi giang đến vậy. Cũng nhờ có bộ đội giúp đỡ mà bà con ở đây đã thoát được cái nghèo, cuộc sống không còn phải chật vật, lo toan như trước nữa”. Ông Lý Văn Bòn - nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Hồng khẳng định: “Khu KTQP Tân Hồng có được như ngày hôm nay, công đầu thuộc về cán bộ, chiến sĩ Đoàn 959. Chúng tôi luôn ghi nhớ công của các anh”.
Những người lính của Đoàn KTQP 959 vẫn đang tiếp tục cống hiến công sức của mình để cùng chính quyền địa phương thực hiện các chương trình, mục tiêu của dự án, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc, làm thay đổi diện mạo của vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Thế Hiển