Dân Việt

Cấm xe máy là giải pháp dễ nhất, nhưng dân đi lại bằng gì?

Nguyễn Minh Huệ 13/03/2019 15:36 GMT+7
Cấm xe máy là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất với cơ quan quản lý để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng người dân chúng tôi sẽ đi lại bằng phương tiện gì, khi giao thông công cộng còn nhiều bất cập?

Nghe thông tin TP.Hà Nội đang chọn tuyến đường để thí điểm dừng hoạt động xe máy, có thể là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, tôi không khỏi lo lắng.

Thực tế thời gian gần đây, đây là 2 tuyến đường có mật độ phương tiện dày đặc, dù đã được mở rộng so với trước. Những người hay phải đi qua cung đường này không còn xa lạ với cảnh phải nhích từng mét để đi làm hay về nhà, hoặc hễ trời mưa gió là tắc đường, xe cộ chen lấn nhau hỗn loạn.

img

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, là người hàng ngày phải di chuyển từ Hà Đông qua tuyến đường Lê Văn Lương để đi làm, cũng như thường xuyên đi qua đường Nguyễn Trãi, tôi cảm thấy không ổn nếu như cấm người dân lưu thông bằng xe máy. Điều này sẽ gây bất tiện, khó khăn rất lớn cho không chỉ bản thân tôi mà rất rất nhiều người dân khác.

Tuyến đường này có xe buýt công cộng, nhưng sở dĩ tôi vẫn phải đi xe máy hàng ngày vì nhà tôi ở khá xa bến xe buýt, đi bộ ra tới bến mất khoảng 10 phút. Chưa kể, giờ đi làm cũng là lúc tôi đưa các con đi học, sau đó vội vàng đến cơ quan làm việc đúng giờ.

Buổi chiều cũng vậy, đi làm về tôi vòng xe qua trường đón các con, sau đó rẽ vào chợ mua thức ăn, quỹ thời gian eo hẹp, lại lỉnh kỉnh đồ đạc như thế nên xe máy là lựa chọn tốt nhất của tôi.

Thậm chí, ngay cả khi có bến xe buýt ở gần nhà tôi hơn nữa, tôi cũng thấy khó khăn trong việc chọn xe buýt đi làm vì cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay chưa đồng bộ, khiến người dân phải qua nhiều trạm trung chuyển mới tới được nơi làm việc.

Thực tế tuyến đường Lê Văn Lương hiện nay khá nhỏ hẹp, mật độ các khu chung cư hai bên đường vô cùng lớn, xe ô tô cá nhân di chuyển trên tuyến này rất nhiều, giờ cao điểm lấn cả vào làn xe buýt BRT nên buýt nhanh cũng ì ạch như buýt thường. Do đó nếu có cấm xe máy thì sẽ vẫn xảy ra xung đột giao thông, không phát huy hiệu quả.

Tôi đồng ý rằng cấm xe máy là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất hiện nay. Nhưng cơ quan quản lý cấm xong, người dân chúng tôi đi lại bằng gì khi hệ thống giao thông công cộng còn nhiều bất cập? 

Trước khi cấm, các cơ quan quản lý giao thông đô thị cần nghiên cứu, tính toán kết nối được hệ thống giao thông công cộng, hoặc có phương án linh hoạt hơn chứ không thể bắt người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, đi lại và "chịu khổ" được.

* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, một người sống tại quận Hà Đông, thường xuyên di chuyển trên hai tuyến đường này.