Phát huy nội lực
PVN cho biết, việc đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Tầm đã góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu khí năm 2019, đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và lợi nhuận cho PVN, Vietsovpetro, PVEP và Bitexco
.
Thành công của dự án Cá Tầm đến trong thời điểm các khó khăn và thách thức vẫn bủa vây PVN, đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khâu cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp đã tác động đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của Tập đoàn. Nguồn vốn thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên và số lượng giếng khoan mới rất ít nên hệ số suy giảm sản lượng hằng năm giảm từ 15 tới hơn 30% tùy theo mỏ. Nhiều mỏ dầu có tỷ lệ ngập nước cao như: Bạch Hổ - Rồng, Rạng Đông - Phương Đông, Sư Tử Đen - Sư Tử Vàng... làm ảnh hưởng đến việc khai thác. Các mỏ khí có trữ lượng lớn như Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây cũng đều đã suy giảm sản lượng trong khi các nguồn khí tiềm năng lớn gặp nhiều khó khăn về tiến độ phát triển khai thác.
Nguyên nhân của sự suy giảm nói trên tổng hợp thêm nhiều yếu tố như sự sụt giảm mạnh và kéo dài của giá dầu đã có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, tiềm năng dầu khí của Việt Nam là có hạn.
Thành công của dự án mỏ Cá Tầm đến ngay trong những ngày đầu năm 2019 là một dấu mốc quan trọng, trở thành sức bật đối với công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Thành viên HĐTV PVN Phan Nhoc Trung chia sẻ: Khi từ CTC1 nhìn sang giếng thẩm lượng Cá Tầm 06 do giàn khoan PVDrilling I đang khoan gần đấy, cách khoảng 5 cây số thì chúng tôi nhìn thấy ngọn lửa đang bùng cháy, cảm thấy rất vui, khẳng định thêm tiềm năng của mỏ Cá Tầm, không chỉ dừng ở chung quanh giàn CTC1, mà còn mở rộng ra thêm nữa. Việc đưa mỏ Cá Tầm vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để Tập đoàn, Vietsovpetro, PVEP có thể duy trì ổn định sản lượng khai thác và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ra các lô mới trong những năm tới.
Thành công của dự án Cá Tầm còn đến từ sự phát huy nội lực, nỗ lực, lãnh đạo, chỉ đạo, chiến lược phát triển mỏ nhỏ, mỏ cận biên của PVN. Đây cũng là lần đầu tiên, 2 thành viên trụ cột trong lĩnh vực thăm dò và khai thác của PVN cùng tham gia là chủ đầu tư của một dự án khai thác dầu khí là Vietsovpetro và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí- PVEP.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chia sẻ: Phát hiện ra mỏ là một niềm vui, nhưng để có thể đầu tư phát triển mỏ đưa vào khai thác thương mại trong điều kiện giá dầu thấp là một thách thức rất lớn. Tập đoàn ghi nhận các nỗ lực của Tổ hợp nhà thầu đã nghiêm túc thực hiện các cam kết trong Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 09-3/12; đặc biệt đánh giá cao Vietsovpetro đã chủ động, tích cực tham gia tổ chức thực hiện Dự án ngay từ đầu và làm nhiệm vụ của Người điều hành với nỗ lực và quyết tâm rất lớn. Thành công bước đầu của Dự án này với sản lượng ngay trong năm nay đạt trên 3/4 triệu tấn dầu sẽ có đóng góp không nhỏ vào kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong năm nay và các năm tiếp theo.
Tổng giám đốc Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết: Mỏ Cá Tầm có phần lớn trữ lượng nằm trong trầm tích Oligoxen D, đây là đối tượng lần đầu tiên có phát hiện dòng dầu thương mại trong khu vực trung tâm của Bồn trũng Cửu Long. Việc phát hiện dầu khí trong đối tượng này không những cho phép đưa mỏ Cá Tầm vào khai thác mà còn mở ra hướng thăm dò mới cho Vietsovpetro, Tập đoàn và các nhà thầu trong những năm tới.
Trong giai đoạn xây dựng phát triển mỏ, PVN, Vietsovpetro đã gặp không ít khó khăn, thách thức đến từ những yếu tố cả khách quan và chủ quan như: công tác mua sắm bị chậm do quy trình mua sắm vật tư quá phức tạp, Vietsovpetro chưa có quy trình chuyển đổi vật tư giữa Lô 09-1 và các Lô ngoài, giá cả vật tư thiết bị tăng trong giai đoạn giá dầu phục hồi dẫn đến nhiều gói thầu vượt giá, phải điều chỉnh giá gói thầu và tổ chức đấu thầu lại; một số nhà thầu trúng thầu từ chối cấp hàng hoặc không giao hàng đúng thời hạn và chấp nhận chịu phạt theo luật và hợp đồng đã ký; điều kiện thời tiết biển nửa cuối năm 2018 diễn biến bất thường, số ngày xấu nhiều hơn các năm trước, các mốc tiến độ thi công trên biển quan trọng của dự án đều tiến hành trong quý IV/2018, là mùa biển động, chịu nhiều tác động và rủi ro cao do thời tiết xấu…
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và PVN, cùng với bề dày kinh nghiệm và tiềm lực sẵn có của mình, Vietsovpetro đã cùng các nhà thầu phối hợp chặt chẽ và nỗ lực thực hiện tốt các phần việc được giao, đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và tiết kiệm chi phí cho Dự án. Song song với công tác xây lắp, Vietsovpetro cũng đã hoàn thành công tác kết nối hoàn thiện (tie-back) các giếng khoan thăm dò/thẩm lượng CT-2X, 3X, 4X để kịp thời đưa vào khai thác từ thời điểm đón dòng dầu đầu tiên tại mỏ.
Đến nay tại Lô 09-3/12, Vietsovpetro cũng đã hoàn thành công tác khoan và thử vỉa các giếng thăm dò CT- 5X trong năm 2018 và CT-6X vào ngày 25.2.2019 vừa qua cho kết quả tốt với gia tăng trữ lượng thu hồi ước đạt 1,95 triệu tấn dầu, nâng tổng trữ lượng thu hồi của toàn mỏ Cá Tầm lên gần 11 triệu tấn dầu. Kết quả này đã cho phép Tổ hợp nhà thầu tiếp tục xây dựng thêm các giàn đầu giếng trong thời gian tới và là tiền đề để thi công khoan giếng thăm dò tiếp theo CT-8X trong năm 2019. Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết thêm.
Tổng giám đốc PVEP Trần Quốc Việt chia sẻ: Trong thời gian qua mặc dù PVEP phải đối mặt với những khó khăn rất lớn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng suy giảm giá dầu, nhưng với trách nhiệm của một đối tác tham gia 30% quyền lợi tại dự án, PVEP đã cố gắng và tích cực hợp tác cùng nhà điều hành Vietsovpetro, đối tác Bitexco để đảm bảo tiến độ đưa Dự án phát triển mỏ Cá Tầm đạt dòng dầu đầu tiên đúng kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá rất cao phương án phát triển mỏ Cá Tầm kết nối với cơ sở hạ tầng sẵn có của Lô 09-1 của PVN, chỉ trong 18 tháng xây dựng đã đưa mỏ vào khai thác. Sau khi phát hiện mỏ Cá Tầm, Tổ hợp nhà thầu đã hoàn thiện nhanh các hồ sơ pháp lý, theo đó kế hoạch phát triển mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18.7.2017. Trong giai đoạn đầu tiên, Tổ hợp nhà thầu đã triển khai xây dựng giàn đầu giếng CTC-1 kết nối vào hệ thống hạ tầng có sẵn tại Lô 09-1 để đưa vào khai thác, đã cho dòng dầu đầu tiên từ ngày 25.1.2019, đúng theo kế hoạch.
Các chuyên gia dầu khí nhận định, việc dự án mỏ Cá Tầm kết nối với hạ tầng của Vietsovpetro từ cụm mỏ Bạch Hổ đã tiết kiệm hàng trăm triệu USD phải bỏ ra đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho Dự án.
Bước ngoặt mới trong lĩnh vực khai thác dầu khí
Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định: Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và khuyến khích các hoạt động của các nhà đầu tư, trong đó có các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và doanh nghiệp tư nhân phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư cũng như cho đất nước Việt Nam trên cơ sở vì lợi ích chung.
PVN luôn tăng cường hợp tác, tìm kiếm, tạo kiều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia các lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế, việc hợp tác này là nhằm cùng nhau phát huy thế mạnh về công nghệ, về tài chính, nhân lực và quan trọng nữa là cùng chia sẻ rủi ro. Thành công của dự án mỏ Cá Tầm còn có ý nghĩa rất đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, một tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam- Bitexco tham gia vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tới tư cách nhà đầu tư. Phải khẳng định Bitexco đã “dũng cảm” khi chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào khâu thăm dò khai thác dầu khí vốn rất nhiều rủi ro.
Không hiếm người cho rằng ngành khai thác dầu khí là “độc quyền” của nhà nước, nên doanh nghiệp khác không thể tham gia… Sự thật là: Không một tập đoàn kinh tế tư nhân nào ở Việt Nam dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu khí. Ai cũng biết, khai thác dầu khí là ngành có hiệu quả kinh tế lớn, nhưng cũng là “siêu rủi ro”.
Thực tế cả trong nước ta và trên thế giới, không ít công ty đã phải bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí đang khai thác cũng đóng cửa mỏ vì không đánh giá đúng tiềm năng, trữ lượng, không đạt hiệu quả mong muốn. Rủi ro đầu tư là quá lớn, vì vậy việc tìm kiếm đối tác, đàm phán điều kiện đầu tư, thỏa thuận ăn chia sản phẩm là công tác quyết định quan trọng nhất quá trình tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí.
Ngay cả trên thế giới, việc các công ty dầu khí liên kết với nhau là điều tất yếu. Một mũi khoan không thấy dầu mất hàng chục triệu USD, một dự án có thể tổn thất cả trăm triệu, như đem muối bỏ biển… Một dự án dầu khí, kể từ lúc tìm kiếm, thăm dò đến lúc khoan thẩm định trữ lượng, rồi thiết kế mỏ và xây dựng giàn khai thác phải mất từ 5 đến 7 năm - đấy là với điều kiện thuận lợi. Tiếp tục mất 7 đến 10 năm mới thu hổi vốn đầu tư, có lợi nhuận… Đầu tư cho một dự án dầu khí cần tiền trăm triệu USD là bình thường.
Minh chứng dễ thấy nhất là trong mấy chục năm qua, nhiều công ty dầu khí quốc tế đầu tư vào thăm dò ở Việt Nam, nhưng “mất trắng” hàng tỷ USD vì rủi ro như trên. Nhiều công ty đã phải chấm dứt hợp đồng, rút đi sau khi thăm dò, tìm kiếm không thành công, trong đó có những “ông lớn” trên thế giới như BP, Total, Shell. Chưa kể đến, các cơ chế thu hút, khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư, tư nhân vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò chưa đủ hấp dẫn. Trước Bitexco, chưa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nào đủ khả năng tham gia lĩnh vực “kinh doanh” tốn kém này.
Nỗ lực của PVN, Vietsovpetro, PVEP trong việc hợp tác với Bitexco cũng đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Thành công của dự án mỏ Cá Tầm với sự tham gia của Bitexco có thể tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại Việt Nam với sự tham gia của đầy đủ các thành phần kinh tế.
Thành công của dự án phát triển mỏ Cá Tầm cũng khẳng định việc đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực bể Cửu Long, sẵn có cơ sở hạ tầng: hệ thống xử lý/xuất dầu thô và thu gom khí đồng hành đồng bộ, là một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng về phương diện kinh tế, nhằm đảm bảo duy trì và sớm gia tăng sản lượng khai thác dầu khí để đáp ứng được nhu cầu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, việc tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực này cũng góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền cũng như các lợi ích kinh tế trên thềm lục địa và lãnh hải Việt Nam.