Xứ Mường giờ có 3 đặc sản được nhiều người nhắc đến là cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc và mía tím. Trong đó, cây mía tím đã gắn bó với bà con người Mường hơn nửa thế kỉ nay và được trồng nhiều ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn… Khi đó, chất lượng mía được coi là hảo hạng, ai ăn một lần là nhớ mãi. Cây mía dài tới hơn 2m, gióng dài, ăn mềm và ngọt lừ.
Hương vị đã bay đi quá nhiều
Ngày đó, diện tích trồng mía không lớn như bây giờ, lại có mỗi đất Hòa Bình trồng được giống mía hảo hạng đó, nên việc tiêu thụ mía rất thuận lợi. Có những lúc giá mía bán tại vườn lên đến 10.000 đồng/cây mà bà con vẫn không có đủ bán. Mỗi ha mía trồng được khoảng 2,5 vạn cây. Mía trồng 3 năm mới phải trồng lại. Chuyện bà con thu lãi vài ba trăm triệu mỗi ha mía là bình thường. Giai đoạn đó, người trồng mía có thể sống ổn nhờ trồng mía.
Cây mía tím đã gắn bó với bà con người Mường ở Hòa Bình từ hơn nửa thế kỉ nay.
Nói chuyện xưa để làm sáng tỏ vấn đề mía tím hiện nay ế ẩm nó cũng có nguyên nhân nội tại của nó. Cây mía được giá, nhà nhà lại lao vào trồng mía. So với những cây trồng lâu năm như cam, bưởi, bà con có vốn ít, diện tích nhỏ, trồng mía là thượng sách. Đầu năm làm rãnh, bón phân, bỏ mía giống. Cuối năm là cây mía cho thu. Đất đai, khí hậu xứ Mường lại hợp với cây mía tím, nên người trồng làm chơi ăn thật.
Từ vài trăm ha mía tím, dần dần cây mía tím đã leo lên đồi, tiến vào tận các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Sơn, Cao Phong và Tân Lạc. Khi cung vượt quá cầu, giá mía tím bắt đầu giảm dần. Từ 10 nghìn đồng 1 cây, có lúc mía rớt thảm xuống 1000đ/cây (năm 2016).
Giá mía giảm, bà con cũng bắt đầu không đầu tư nhiều cho cây mía khiến cây mía phát triển kém. Cây kém chất lượng lại được bà con chặt làm giống cho vụ sau. Từ giống mía có chất lượng, có thương hiệu, dần dần thân mía cứ teo tóp và xuống mã dần. Theo chia sẻ của bà Phương - một người buôn mía có thâm niên ở Hòa Bình, cây mía giờ bị sâu nhiều, thân như bị mèo cào, ăn rất cứng, nó không mềm và thơm mát như những năm trước đây. Cây mía cứng hơn, mẫu mã xuống…, đây cũng là lý do vì sao mía tím khó bán hơn trước.
Niềm vui của người nông dân với cây mía tím đang giảm dần vì mía khó bán hơn.
Trải qua hơn nửa thế kỷ phát triển, mía tím Hòa Bình đã trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, sản phẩm có chất lượng đặc thù. Vùng mía tím chủ lực ngày càng mở rộng về quy mô diện tích, sản lượng cây trồng.
Trông cả vào tư thương
Theo thống kê của ngành NN&PTNT địa phương, diện tích mía đến niên vụ 2018 đạt hơn 8.000 ha, tập trung tại các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Đà Bắc... Trong đó diện tích mía tím khoảng 3.000 ha, mía đường trên 3.000 ha, mía trắng ép nước gần 2.000 ha. Năng suất đạt khoảng 71 tấn/ha, tổng sản lượng gần 549,5 nghìn tấn.
Thu nhập bình quân của người trồng mía đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha, trừ chi phí mang về lợi nhuận từ 100 - 140 triệu đồng/ha. Trong đó, diện tích mía ăn tươi (mía tím và mía trắng ép nước) luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng diện tích, từ 80 - 85%.
Cây mía đường đã không mang lại kì vọng cho người dân, mặc dù ở tỉnh có nhà máy đường đàng hoàng được đầu tư nhiều tỷ đồng. Anh Triệu Tiến Minh ở xã Thống Nhất cho biết: “Đất cao, nhà lại không có vốn, không trồng mía, tôi không biết trồng gì. Dù biết vụ sau giá có thể giảm hơn, nhưng cái khó là chúng tôi vẫn phải bán toàn bộ mía cho thương lái”.
Việc tiêu thụ mía tím tại Hòa Bình đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng giống như anh Minh, các hộ trồng mía khác ở Hòa Bình đều trông cả vào tư thương khi đến mùa tiêu thụ sản phẩm. Hiện ở tỉnh chưa có một đơn vị nào đứng ra kí kết hay bao tiêu sản phẩm mía tím cho bà con nông dân. Hơn 3.000ha mía tím, tương đương 21 vạn tấn mía trông cả vào đội ngũ tư thương. Mấy năm gần đây, càng về cuối vụ, cây mía tím càng khó bán. Không ai tìm được đầu ra lâu dài cho sản phẩm mía này. Người nông dân gieo trồng cây mía xuống phó mặc cho số phận, mía được giá hay không đều phụ thuộc vào... vận may.
Cây mía tím có thời vụ, khi cây đã vào độ thu hoạch phải được cắt sớm, tránh tình trạng mía quá già bị bốc ngọn, khi đó có làm củi cũng khó. Niên vụ mía năm nay, đến bất cứ một xã trồng mía nào của xứ Mường, bà con cũng ngao ngán vì mía chất đống không bán được. Sản lượng quá lớn, không ai, không đơn vị nào có thể “ôm” hết cả 3000ha mía được. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi lẽ người trồng chỉ biết trồng còn đầu ra phó mặc.
Tỉnh Hòa Bình có chủ trương giao cho Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch diện tích trồng mía tím đến năm 2020 là 9.500 ha, đến năm 2030 là 10.000 ha, sản lượng mía khoảng 225.000 tấn. Đến năm 2025 sử dụng 100% giống được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Theo như chiến lược trên của tỉnh Hòa Bình, e rằng có nhiều mâu thuẫn bởi lẽ với diện tích 3000ha mía như hiện nay, bà con đã đứng ngồi không yên vì không bán được sản phẩm. Với diện tích 10.000ha vào năm 2030, không biết khi đó, bà con sẽ bán mía đi đâu.
Người trồng mía đang gặp nhiều khó khăn.
Được biết, ngoài Hòa Bình thì nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh miền Bắc cũng đã tiến hành trồng mía tím. Khi sản lượng nhiều lên mà thị trường tiêu thụ trong nước đã bị bão hòa thì chuyện mía tím khó bán là điều dễ hiểu. Trong thời gian tới, việc mở rộng diện tích trồng mía tím phải hết sức cân nhắc, tránh tình trạng mía bị dồn ứ không bán được hay lại phải "giải cứu" mía tím.