Tại xã Thạnh Tân, nhiều rẫy khóm “lão”, thay vì cải tạo đất thả giống mới, nông dân đốt luôn để lấy đất trồng mít Thái.
Nhiều rẫy khóm bị đốt trơ gốc, cháy đen thay vào đấy là những vườn mít Thái vài ba tháng tuổi.
Anh Bùi Văn Thành sau 10 năm trồng khóm cũng đành dọn sạch cây “xóa đói, giảm nghèo” này để lấy 1,5ha đất trồng 700 gốc mít Thái. Hiện, mít anh trồng mới được 4 tháng. Anh Thành cho biết, dù giá mít Thái cũng không thoát cảnh trồi sụt thất thường, nhưng thấy đang ở mức 50.000-60.000 đồng/kg như hiện nay mà không trồng thì uổng quá.
Tại xã Thạnh Mỹ, ông Nguyễn Hồng Nhật cũng phá 4ha rẫy khóm để lấy đất trồng mít Thái. Theo ông Nhật, ông đã đầu tư gần nửa tỷ đồng để có vườn mít Thái trang bị tưới tự động.
Nhiều rẫy khóm, nông dân trồng mít Thái xen với khóm trên liếp, chờ khi khóm “lão” sẽ phá bỏ, khi ấy mít Thái cũng vừa lúc cho trái.
Nhờ những ưu điểm về tính thich nghi, năng suất và sản lượng cùng giá cả tốt, trong những năm gần đây, mít Thái siêu sớm đã trở thành cây làm giàu cho nông dân các huyện vùng ngập lũ hằng năm ở tỉnh Tiền Giang, như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, diện tích mít Thái siêu sớm hiện khoảng 3.700 ha và còn đang tăng mạnh, bởi bà con đang tranh thủ thời cơ mít có giá đua nhau cải tạo đất đai, mở rộng diện tích theo mô hình chuyên canh hoặc xen canh trong vườn trồng các cây ăn quả khác.