Dân Việt

Dịch tả lợn châu Phi: Đau xót mỗi ngày Thái Bình tiêu hủy 60 tấn lợn

Đình Thắng 15/03/2019 13:20 GMT+7
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên cho biết 3 ngày nay, mặc dù thực hiện tích cực phòng chống dịch, song lượng tiêu huỷ đều hơn 60 tấn mỗi ngày.

Chiều qua 14/3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp bàn với 17 địa phương để tìm giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan. Cục Thú y nhận định, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao.

img

Dịch tả lợn châu Phi khiến mỗi ngày Thái Bình tiêu hủy hơn 60 tấn lợn. Ảnh: IT

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên cho biết, 3 ngày nay, mặc dù thực hiện tích cực phòng chống dịch, song lượng lợn buộc phải tiêu huỷ vẫn lên tới hơn 60 tấn mỗi ngày. Trong tuần tới chúng tôi sẽ công bố các thủ tục hồ sơ hỗ trợ. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng sớm công khai minh bạch về giá hỗ trợ với lợn nái, lợn giống.  

Băn khoăn về nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lan truyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho hay: "Điểm phát hiện dịch bệnh trên địa bàn thuộc một xã của huyện Ngân Sơn, cách đường chính 27 km, chỉ có đường mòn vào. Tôi thấy lạ là lợn nuôi 9 tháng, chỉ cho ăn rau, cám ngô mà sao lợn phát bệnh?".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ NN&PTNT xác định thêm nguyên nhân lây bệnh của dịch tả lợn châu Phi. "Ởở địa phương chúng tôi chưa hiểu vì sao dịch bệnh lại lây lan vào Bắc Kạn" - bà Hoa nói.

Về ý kiến của tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xác định nguyên nhân dịch bệnh lây lan là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Cục Thú y nhanh chóng nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.

Nhận định tình hình dịch bệnh thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, có 3 nguy cơ dịch sẽ lan truyền ra 3 khu vực. Thứ nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vùng này không tổ chức phòng chống dịch tốt thì sẽ lan truyền sang các địa phương chưa bị. Nguy cơ là rất cao, nếu không giữ được, đồng bằng sông Hồng chính là khu vực "đỏ".

Khu vực thứ hai là leo lên các tỉnh miền núi phía Bắc, đây là vùng thứ 2 trọng điểm để lường trước. Khu thứ ba là phía Nam, nếu không giữ được thì vô cùng nguy hiểm, sông nước như thế, giao thương như thế, đây là địa bàn trọng điểm chiếm 10% tỷ trọng ngành lợn. Chúng ta phải ý thức rất rõ để phòng chống.

Chính vì vậy theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải tập trung đồng bộ các giải pháp theo chỉ thị 04 và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Cần bám sát thực tiễn để đưa ra giải pháp khống chế dịch phù hợp.