Dân Việt

Trò chuyện với "cha đẻ" xe lăn thông minh Aviator

24/01/2012 07:25 GMT+7
(Dân Việt) - "Người Việt mình rất coi trọng những phát minh công nghệ, nên sẽ cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nếu có cơ hội" - GS- TS Nguyễn Hùng, “cha đẻ” của xe lăn thông minh Aviator - nhận định trong email trao đổi với Dân Việt.

Với những phát minh nổi tiếng phục vụ cộng đồng, GS đã trở thành gương mặt được đề cử cho danh hiệu "Người Australia của năm 2012". Cảm xúc của một người con mang dòng máu Việt nhưng lại được người Australia vinh danh sẽ như thế nào?

- Ban đầu, nhiều người nghĩ tôi là người đại diện của bang New South Wales để tranh cử danh hiệu "Người Australia năm 2012", nhưng sự thực là tôi không đại diện cho bang New South Wales. Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên khi biết mình được đề cử tranh giải Người Australia của năm. Vài ngàn người được đề cử mà tôi là một công dân Australia gốc Việt được vào danh sách 4 người cuối cùng của bang New South Wales thì rất là hãnh diện và tự hào. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày Quốc khánh của Australia tới đây (26.1).

img
GS Nguyễn Hùng (đeo kính), cha đẻ của xe lăn thông minh Aviator và các cộng sự.

Được biết, phát minh xe lăn thông minh của ông đã gây tiếng vang ở Australia. Ngoài mục đích phục vụ cộng đồng nước sở tại, GS có mong muốn, những người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận sản phẩm phát minh của mình?

- Phát minh xe lăn thông minh đã được cộng đồng người Việt ở Australia, cũng như người dân Australia biết đến rộng rãi. Ý tưởng để tôi nghiên cứu phát minh này, ban đầu từ việc tôi làm việc với rất nhiều dạng rôbốt thông minh khác nhau mà chúng có thể vận động, tư duy để học chơi các trò chơi trong đó có chơi cờ. Thêm vào đó, tôi cũng từng làm việc với các nhiều nhà nghiên cứu đã phát minh ra những công nghệ điều khiển đơn giản để bật hoặc tắt các thiết bị gia dụng trong gia đình.

Tôi cũng rất thích thú với những vấn đề về động lực học trong việc điều khiển xe lăn thông qua suy nghĩ của con người vì điều này dường như khá phức tạp. Từ đó, tôi nghĩ ra ý tưởng với mục đích sẽ giúp hàng triệu người khuyết tật trên khắp thế giới có được cuộc sống tốt hơn bằng việc dễ dàng di chuyển và hòa nhập cuộc sống.

Tôi đã thành lập nhóm nghiên cứu xe lăn thông minh có tên gọi Aviator. Chúng tôi không tạo ra xe lăn, song chúng tôi tạo ra những thiết bị điều khiển đi kèm chúng dựa trên điều khiển của bộ não. Qua đó, những người tàn tật, thậm chí bị liệt cả tay, chân, vẫn có thể dễ dàng di chuyển trên những chiếc xe lăn có bộ điều khiển thông minh này. Ngoài phục vụ cộng đồng ở Australia, tôi rất mong muốn một ngày gần đây sẽ mang sản phẩm phát minh về Việt Nam, phục vụ cho người Việt mình.

Còn những phát minh đột phá khác trong lĩnh vực y tế như tim nhân tạo, hay HypoMon của nhóm nghiên cứu do GS thành lập đã được cộng đồng đón nhận thế nào?

- Hai phát minh HypoMon và Aviator được rất nhiều người biết đến, tuy nhiên những nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh Parkinson cũng rất quan trọng. HypoMon là thiết bị dựa trên công nghệ phát hiện lượng đường trong máu giảm ở bệnh nhân đái tháo đường một cách liên tục mà không cần lấy máu.

Trước đây, chúng tôi đã giúp một công ty ở Australia chế tạo thành công một loại thiết bị điện tử gần giống như một quả tim nhân tạo. Loại thiết bị công nghệ cao này đã được thử nghiệm trên hơn 50 người, hầu hết là tại Australia và một vài người ở châu Âu.

Thiết bị này có thể hỗ trợ một số người mắc bệnh liên quan đến tim duy trì sự sống trong 5-10 năm và sau thời gian này có thể gắn lại cái mới. Ngoài ra các nghiên cứu khác về y tế cũng đang được triển khai.

Xin GS chia sẻ một chút thông tin về bản thân và gia đình và những ngày bắt đầu lập nghiệp ở Australia?

- Tôi rời Việt Nam năm 1971 sau khi nhận được học bổng Colombo Plan để học kỹ sư điện lúc 19 tuổi. Tôi định cư ở Australia năm 1979. Tôi nhận bằng thạc sỹ năm 1977, và hoàn thành luận án tiến sĩ năm 1980, và trở thành giáo sư tiến sĩ từ năm 2001. Gia đình tôi có bốn người con.

GS - TS Nguyễn Hùng tên thật là Nguyễn Tấn Hùng, hiện tại là Trưởng khoa Cơ khí và Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Hùng là một thành viên cao cấp của Viện Kỹ sư điện và điện tử của Australia và đồng thời là thành viên của Hiệp hội Máy tính của Anh quốc.

GS có thường trở về thăm Việt Nam không và ông nhận xét thế nào về khoa học công nghệ ở Việt Nam?

- Mỗi năm, tôi vẫn thường về Việt Nam để tuyển sinh viên đi du học sang Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Nhiều sinh viên Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới nghiên cứu mà chúng tôi đã xây dựng nên tại UTS để tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng. Cầu nối tôi xây dựng giữa sinh viên Việt Nam và UTS đã hơn 10 năm nay và tôi có thể khẳng định rằng chiếc cầu nối này đã trở nên hết sức vững chắc. Chất lượng của sinh viên Việt Nam tại UTS thực sự rất tốt.

Qua những lần trở về, tôi thấy Việt Nam phát triển rất nhiều, rất nhanh và là một trong những nước an bình nhất ở châu Á. Khoa học công nghệ ở Việt Nam càng ngày càng mạnh, người Việt Nam trọng khoa học công nghệ, và chất lượng sinh viên. Kỹ sư Việt Nam cũng rất giỏi, nên sẽ cạnh tranh ngang ngửa với thế giới nếu có cơ hội.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!