Dân Việt

Dính nghi án tài trợ lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài, VEAM bị hải quan truy hơn 352 tỷ

Huyền Anh 15/03/2019 07:00 GMT+7
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa bị Cục Hải quan TP. Hà Nội ra quyết định ấn thuế hơn 352 tỷ đồng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Năm 2018, VEAM bị vận đen đeo bám khi vướng vào không ít nghi án, đồn đoán về việc tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài và quyền Tổng giám đốc VEAM bỏ trốn.

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Corp - UPCoM: VEA) vừa công bố quyết định của Cục Hải quan thành phố Hà Nội liên quan tới hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Ấn định thuế hơn 352 tỷ đồng

Theo đó, nội dung Quyết định là việc ấn định thuế với hàng hóa xuất khẩu do doanh nghiệp khai sai mã HS (một mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới), thuế suất của hàng hóa nhập khẩu. Số tiền thuế ấn định với VEAM là 352,4 tỷ đồng.

img 

Trong tổng số tiền thuế ấn định, công ty đã nộp số tiền 172,9 tỷ đồng và còn phải nộp 179,5 tỷ đồng.

Trong năm 2018, VEAM đạt 7.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%.

Được biết, phần lớn lợi nhuận này đến từ việc liên doanh với Honda Việt Nam (nắm 30%), Toyota Việt Nam (nắm 20%) và Ford Việt Nam (nắm 25%). Tính đến ngày 31.12.2018, giá trị ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư này lần lượt là 5.264 tỷ đồng; 929,8 tỷ đồng và 642,83 tỷ đồng.

Hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đem lại doanh thu thuần là 7.073 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ đạt 603,9 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) VEAM năm 2018 đạt xấp xỉ 5.321 đồng.

Chỉ tính riêng trong Quý IV.2018, VEAM ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 2.253 tỷ đồng, tăng trưởng tới 52,2% so với cùng kỳ.

img 

Tính đến ngày 31.12.2018, VEAM ghi nhận gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng tài sản công ty bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền (342,3 tỷ đồng); các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (là các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, 9.649,9 tỷ đồng). Điều này cũng giúp cho doanh thu tài chính của VEAM tăng mạnh trên 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 416,6 tỷ đồng.

BCTC hợp nhất cho thấy, nợ phải trả của VEAM giảm mạnh từ 4.785 tỷ xuống 1.582 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu phải trả người bán của Tổng công ty đã giảm mạnh từ 2.155 tỷ đồng (từ đầu năm 2018), xuống mức 446,6 tỷ đồng.

img 

Tương tự, các khoản phải trả, phải nộp khác cũng giảm mạnh với 1.566,3 tỷ đồng, xuống mức 195,6 tỷ đồng. Sự biến động này đến từ việc khoản mục “Phải trả về cổ phần hóa” của VEAM đã giảm từ 1.511 tỷ đồng, về mức 11,76 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Cuối năm 2018, tổng tài sản của VEAM đạt mức 26 nghìn tỷ đồng, tăng 3 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 16.406 tỷ đồng, tăng 5.419 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, tài sản dài hạn của VEA đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 2 nghìn tỷ so với đầu năm.

Từng vướng nhiều nghi án

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor. Gần 88,5% vốn VEAM hiện do Bộ Công Thương sở hữu.

Không những thế, VEAM còn được gọi tên trong danh sách doanh nghiệp có nhiều lùm xùm nhất trong năm 2018. Những thương vụ “tai tiếng” của VEAM có thể kể tên như tự ý mua lô hàng hơn 1.600 tỷ, ông Trần Ngọc Hà VEAM bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc hay như nghi án quyền Tổng giám đốc “bỏ trốn ra nước ngoài và tin đồn tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại?

Đối với thương vụ mua bán 3.000 bộ linh kiện, tháng 9.2017, Tổng giám đốc của VEAM lúc bấy giờ là ông Trần Ngọc Hà đã đồng ý để nhà máy Ô tô VEAM ký hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện về để sản xuất và tiêu thụ mà không thông qua HĐQT. Giá trị  lô hàng này là hơn 1.600 tỷ.

Trong các vản bản giải trình sau đó, VEAM cho rằng việc ông Trần  Ngọc Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có "thiếu sót" về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.

img 

CEO VEAM Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức Tổng giám đốc từ tháng 8.2018.

Tuy nhiên, vào tháng 8.2018, Hội đồng quản trị VEAM ra quyết định tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc VEAM của ông Trần Ngọc Hà, Thành viên HĐQT. Cùng ngày, HĐQT VEAM cũng đã giao cho ông Ngô Văn Tuyển, Thành viên HĐQT, đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc thay cho ông Hà.

Ông Hà có nghĩa vụ phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của VEAM tập trung thu hồi công nợ và bán hàng với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện và phụ tùng xe Hyundai Mighty mua từ Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại .

Trước đó không lâu, VEAM bị đồn đoán là 1 trong trong những nhà tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại “Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama" kéo dài 12 ngày năm 2016. Tổng chi phí chuyến đi này, riêng phần chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương lên tới gần 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo VEAM đã khẳng định không hề tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài.

img

 VEAM vướng tin đồn trong năm 2018

Vận đen chưa hết đeo bám doanh nghiệp này khi người thay thế ông Hà, là ông Ngô Văn Tuyển dính tin đồn bỏ trốn ra nước ngoài vào cuối năm 2018 vừa qua.

Việc ông Ngô Văn Tuyển, Quyền Tổng Giám đốc của VEAM tự ý đi nước ngoài khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng khiến dư luận cho rằng ông này tìm cách bỏ trốn vì trước đó đã có dư luận vị này được cho là vướng vào nhiều sai phạm gây thất thoát của Nhà nước lên đến hơn 250 tỷ đồng

Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó đã được Bộ Công thương “dập tắt”.