Dân Việt

Hàng ngàn du khách ùn ùn đổ về dự Lễ hội hoa ban Sơn La

PV 16/03/2019 17:30 GMT+7
Hôm nay (16.3), hàng ngàn du khách thập phương và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi tấp nập đổ về trung tâm thành phố Sơn La để tham dự Lễ hội hoa ban năm 2019. Từ lâu hoa ban vốn là một trong những biểu tượng của núi rừng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Khi hoa ban nở trắng rừng, cũng là thời điểm diễn ra lễ hội hoa ban.

Hoa ban là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Từ lâu hình tượng hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa - tâm linh của nhân dân các dân tộc nơi đây.

Lễ hội hoa ban là dịp để bà con các dân tộc trong và ngoài tỉnh đến gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, gắn bó với nhau. Không khí sôi động không chỉ cuốn hút bước chân du khách gần xa, mà còn thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn về tham dự.

img

Lễ hội Mùa hoa Ban năm nay nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và đoàn công tác của Trung ương lên thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7.5.1959 - 7.5.2019).

img

Tương truyền rằng, khi xưa xứ “Mường Trời” có người con gái tên Ban xinh đẹp nhất bản người Thái. Nàng đem lòng yêu chàng trai bản tên Khum nhà nghèo, giỏi săn bắn, chăm làm và tốt bụng. Nhưng “ải, êm” (bố, mẹ) nàng Ban lại hứa gả Ban cho con trại Tạo mường nhà giàu nhất bản, lười biếng lại vừa thọt vừa gù.

Ngày cưới nàng với con trai Tạo mường đã được ấn định mà Khum đi bẫy thú ở rừng sâu chưa về. Đêm đó, Ban đã buộc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình băng núi, băng rừng đi tìm người yêu. Nàng đi mãi.. đi mãi... rồi kiệt sức và nàng chết ngay bên sườn đồi.

Tại nơi nàng chết, người ta thấy có một loài hoa trắng muốt, hương thơm dịu ngọt. Dân bản tin rằng đó là nàng Ban đã hóa thân thành loài hoa ấy; cánh hoa trắng muốt thể hiện tình yêu son sắt thủy chung với chàng Khum.

Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban - Khum.

Sơn La, cứ xuân sang, hoa ban nở trắng trên các sườn núi, thì nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa, vui chơi, ca hát, nói lời yêu trao nhau.

img

img

Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu về tiềm năng thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Thành phố Sơn La, với mục tiêu xây dựng thành phố Sơn La trở thành “Thành phố Hoa Ban”, là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước, tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập.

img

Lễ hội Mùa hoa Ban năm 2019 được tổ chức từ ngày 15 đến 17.3, với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, như: Hội thi Trại du lịch văn hóa; trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sắc, đặc thù của các xã, phường trên địa bàn Thành phố; Hội diễn nghệ thuật quần chúng khối xã, phường; các hội thi: Thêu khăn piêu, ẩm thực dân tộc, họa mi chiến, chọi gà, sinh vật cảnh; thi các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian: Đẩy gậy, kéo co, tung còn, tó má mẹ, phăn liêng, đi cà kheo, bắn nỏ và thi bắt cá suối… nhằm tái hiện lại không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm nét truyền thống đặc trưng của các dân tộc tỉnh Sơn La.

img

Đối với người dân vùng Tây Bắc, hoa ban là món "hoa rau" quý. Hoa ban nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt măng chua...  Hoa ban còn là vị thuốc quý trị chứng ho khan hoặc viêm họng rất tốt. Có người dùng lá và búp non của cây ban sao vàng hạ thổ, chữa bệnh kiết lỵ tương đối hiệu quả. Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như thể biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Người Thái cho rằng, hoa ban trong trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.

img

Hàng ngàn du khách đổ về tham dự lễ hội hoa ban Sơn La năm 2019.

img

Những cô gái Thái duyên dáng trong lễ hội hoa ban.

img

img

Những cánh rừng ban nở trắng khắp đồi núi Tây Bắc tựa như những bông tuyết trắng.