Tuy ra mặt ta đây nhưng loại giang hồ này rất “yếu bóng vía”, chẳng có số má trong giới giang hồ mà chủ yếu hù dọa, ức hiếp người lương thiện buôn bán nhỏ, bán hàng rong vỉa hè ở một địa bàn nhất định nào đó để kiếm ít đồng sống qua ngày.
Nếu không đủ chi tiêu do nghiện ma túy thì phải tăng ca “đá cá lăn dưa”, cướp giật trên đường phố để kiếm thêm tiền hút chích. Mỗi băng nhóm chừng vài tên, hoạt động theo kiểu bộc phát, thấy chỗ nào có thể bảo kê thì cứ sáp đại được chăng hay chớ.
Chị Thảo, chủ quán cà phê ở phường Linh Trung, Thủ Đức kể, lúc chị mới mở quán cà phê, chỉ sau 3 ngày hoạt động tự dưng có 2 thanh niên xăm trổ đầy người, gầy trơ xương bày bàn cờ tướng ngồi đánh trước quán. Chị Thảo ra la thì chúng lớn tiếng bảo đánh ở vỉa hè nên chị không có quyền đuổi. Thế là những ngày sau đó quán chẳng có một bóng khách, ai thấy hình ảnh đó cũng chẳng dám ghé vào.
Khi biết ý định của chúng, chị Thảo bảo nếu không đánh cờ chị sẽ “bồi dưỡng” mỗi tháng 1 “chai” (1 triệu đồng), thế là chúng hí hửng bỏ đi.
Cùng cảnh ngộ với chị Thảo là chị Hương, có quán nhậu nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Mỗi chiều, cứ vào giờ cao điểm bán buôn là y rằng có 4 thanh niên mặc đồng phục của một công ty thức ăn thủy sản vào quán nhậu. Mùi hôi thối toát ra từ các bộ đồng phục này không làm ai chịu nổi, khách đã vào thì lần lượt ra về; khách vừa vào liền đi ngược trở ra…
Vốn đã từng va chạm thực tế, chị Thảo liền cậy nhờ một giang hồ ở địa phương, ngay lập tức, 4 giang hồ “tép riu” kia lộ mặt là những kẻ kiếm bảo kê nhưng gặp vật cản đành rút lui. Tuy nhiên, chị Hương thoát được bảo kê này thì lại gặp bảo kê kia và cũng phải chung tiền hằng tháng mới được yên.
Nhưng vì sao các giang hồ “tép riu” thường sử dụng “khổ nhục kế” mà không dùng vũ lực để đòi bảo kê. L.B, một trùm giang hồ ở quận 9 lý giải, những tên “tép riu” này không phải là dân địa phương, không thông thạo địa bàn nên dùng vũ lực không khéo bị các băng nhóm khác đang bảo kê “nện” cho một trận thì thân tàn ma dại. Chi bằng thăm dò trước an toàn hơn, không được thì rút im. Chứ còn giang hồ địa phương biết rõ từng ngỏ ngách thì chẳng việc gì phải diễn tuồng, đòi bảo kê trắng trợn.
Trần Quốc Huy (Huy “heo”, 27 tuổi, ngụ xã An Phú Tây, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; có 1 tiền án cố ý gây thương tích và 1 tiền sự bắt giữ người trái pháp luật) tuy cũng thuộc dạng “tép riu” nhưng do người địa phương nên y biết rất rõ từng đàn anh, đàn chị ở địa bàn này.
Được sự đồng ý của một đại ca, Huy được “khai thác” các quán cà phê nằm dọc theo quốc lộ 1A thuộc địa phận xã An Phú Tây và Tân Túc (Bình Chánh). Huy đi cùng 3-4 đối tượng xăm mình vằn vện đến uống cà phê rồi đặt vấn đề bảo kê. Nếu chủ quán không chấp nhận thì bị Huy và đồng bọn đe dọa, đập phá bàn ghế, đánh nhân viên.
Một số đối tượng trong băng nhóm bảo kê, cưỡng đoạt tài sản...
Khi đã phục tùng thì cống nạp cho Huy từ 1-2 triệu đồng/tháng tùy quy mô quán, Huy lệnh cho các chủ quán, hằng tháng phải mang tiền giao cho y tại vòng xoay quốc lộ 1A-Nguyễn Văn Linh. Ai không giao đúng hẹn thì trong vòng 1 ngày sẽ bình địa quán đó. Buôn bán lời lãi chẳng được bao nhiêu lại phải chi tiền bảo kê, nhiều chủ quán đồng loạt làm đơn tố cáo. Sau đó Huy bị bắt nhưng một số chủ quán không dám hoạt động vì sợ đàn em của Huy trả thù. Mà muốn không bị trả thù thì phải tìm bảo kê mới…
Cũng thuộc dạng giang hồ “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” nhưng nhờ liều mạng nên Khưu Hồng Trọng (tự Bờm, 28 tuổi; ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) trở thành “ông trời con” hoạt động trong suốt một thời gian dài ở quận 12.
Cùng với đám đàn em “đầu trâu mặt ngựa”, quen thói côn đồ từ nhỏ, băng của Trọng gây bao nỗi kinh hoàng cho các hộ kinh doanh nằm trên địa bàn phường Thạnh Lộc. Tháng 3.2015, Trọng đến quán karaoke Happy của anh Phước và chị Thắm nằm trên đường Hà Huy Giáp (quận 12) đặt điều kiện thu tiền bảo kê với mức 30 triệu đồng/tháng, anh Phước không đồng ý. Trọng dọa, hoặc là mất 30 triệu đồng/tháng hoặc dùng số tiền đó để mua… quan tài.
Qua tìm hiểu, biết băng của Trọng không phải dạng vừa, anh Phước đồng ý đóng tiền bảo kê nhưng xin giảm xuống còn 15 triệu. Trọng đồng ý. Đến tháng 12.2015, anh Phước mở thêm quán nhậu Hương Đồng gần với quán karaoke; Trọng buộc phải đóng tiền bảo kê với mức 25 triệu đồng/tháng. Sau 3 tháng đóng tiền bảo kê nhưng buôn bán ế ẩm, vợ chồng anh Phương quyết định đóng cửa quán nhậu. Từ đó, Trọng và đồng bọn chiếm 2 chòi lá của quán nhậu Hương Đông để làm nơi nhậu nhẹt và cất giữ hung khí.
Kinh doanh thua lỗ, kinh tế kiệt quệ, anh Phước xin khất tiền đóng “hụi chết” cho điểm karaoke Happy nhưng Trọng không thông cảm. Ngày 24.3.2016, Trọng đến quán hát karaoke và đòi phải có 30 nữ tiếp viên phục vụ mình. Anh Còn, quản lý của quán phân trần: “Anh cũng biết quán mình rồi làm sao có đủ 30 nữ tiếp viên!”. Trọng trợn mắt: “Không đủ mày cũng phải tìm cho ra!”.
Anh Còn không nói gì mà bỏ ra ngoài. Lấy cớ anh Còn xem thường mình, Trọng chạy xuống nhà bếp lấy con dao chém liên tiếp vào người của anh Còn, gây thương tích nặng…
Ngoài thu tiền bảo kê của anh Phước, Trọng và đồng bọn còn thu của khoảng 10 quán khác với cùng một thủ đoạn. Khi muốn bảo kê quán cà phê nào thì Khưu Hồng Trọng vác mã tấu đến quậy phá. Ai chịu đóng 2 triệu đồng/tháng thì Trọng để yên bằng ngược lại sẽ cho đàn em dẹp quán.
Sợ thế lực của Trọng, nhiều chủ quán chủ động tìm đến Trọng trước và đề nghị được đóng tiền bảo kê. Từ đó Trọng xem mình như vua một cõi, sẵn sàng đâm chém bất cứ ai khiến Trọng phật ý.
Bảo kê không chỉ xuất hiện trong các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm mà ngay cả người buôn bán kinh doanh bình thường, bán hàng rong ở vỉa hè, trẻ đánh giày… cũng phải chịu sự bảo kê.
Vụ băng nhóm Nguyễn Kim Của (49 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng hai trợ thủ đắc lực là Huỳnh Như (tự Bé Đen, 25 tuổi; con nuôi của Nguyễn Kim Của) và Vương Sỹ Hùng (46 tuổi; ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) cưỡng đoạt tiền người bán hàng rong trước Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5) là một minh chứng rõ nét nhất.
Hằng ngày, 4-5 đàn em của Của túc trực trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để buộc những người bán hàng rong, chạy xe ôm, bán vé số phải nộp tiền bảo kê 25.000 đồng/ngày. Ai không chịu nộp lập tức bị chúng đánh dằn mặt và không cho bén mảng tới bệnh viện nữa. Băng nhóm này bị xóa sổ chưa được bao lâu nơi đây xuất hiện một đối tượng giang hồ tự xưng là Đông “heo”, anh em cọc chèo với Nguyễn Kim Của và tuyên bố sẽ thay Của cát cứ khu vực này.
Để thâu tóm địa bàn, Đông “heo” cho con gái của mình bán bánh bao trước cổng bệnh viện rồi dùng vũ lực đuổi hết những người bán hàng rong khác để bán độc quyền. Nhiều người không chịu nghe lời đã bị Đông “heo” đánh đập, đe dọa. Ngoài ra, Đông “heo” còn gây chuyện và đánh dằn mặt một số người chạy xe ôm để thị uy nhằm tiến tới làm “trùm” giang hồ ở khu vực này.
Những kẻ như Đông “heo”, Của hiện có mặt nhan nhản ở các bến xe, trước cổng bệnh viện, khu vui chơi… Riêng đối với vỉa hè nằm bên hông trụ sở của các cơ quan nhà nước đều bị các trùm giang hồ khu vực “xí phần” rồi “bán” lại cho người kinh doanh và nhận tiền bảo kê hằng tháng….