Dân Việt

Hà Tĩnh: Cả tháng không dám về nhà vì cấm trại, giá lợn hơi lao dốc

Thanh Nga 18/03/2019 15:18 GMT+7
Mặc dù chưa có ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nào được phát hiện tại Hà Tĩnh, tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng, lo ngại ăn phải thịt không đảm bảo ATVSTP nên một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh này đã quay lưng với thịt lợn, thậm chí không ít bếp ăn tập thể “cai” hẳn thịt lợn.

Cầu giảm khiến cho nguồn cung ế ẩm, giá lợn hơi, lợn giống tại các trang trại chăn nuôi cũng rớt nhanh, từ 48.000 đồng/kg xuống 37.000 - 38.000 đồng/kg chỉ trong 20 ngày.  

Thiệt đơn thiệt kép

Gần 8 tháng cấm trại, không còn cách nào khác, để nắm được thực trạng khó khăn của Cty CP chăn nuôi Mitraco - Cty chiếm thị phần chăn nuôi lớn nhất ở Hà Tĩnh, PV đành liên lạc qua điện thoại. 

img

Đoàn công tác của Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra tình hình tiêu thụ thịt lợn tại một khu chợ TP Hà Tĩnh

Đầu dây bên kia, ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Phụ trách Cty thở dài: “Tôi đứng ở nhà tắm trang trại nhìn thấy nhà mình mà không dám về”. Ông Thảo cho hay, ngoài ông, gần 120 công nhân của 2 Trung tâm nái quy mô 1.200 con và 3 trại nái vệ tinh ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), Kỳ Bắc (Kỳ Anh) mỗi tháng chỉ được về nhà 2 ngày. Khi vào trại phải vào sớm 1 ngày để cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng, hôm sau mới được “nhập” trại.

Tháng 8/2018, dịch LMLM bắt đầu càn quét ngành chăn nuôi Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ, để phòng dịch, Cty Mitraco quy định nội bất xuất ngoại bất nhập. Khoảng giữa tháng 2/2019 dịch LMLM bắt đầu lắng xuống thì xuất hiện DTLCP, lệnh cấm trại tiếp tục kéo dài.

Ông Thảo cho biết, thời gian qua công tác phòng dịch cực kỳ tốn kém, bình quân mỗi tháng riêng tiền hóa chất đã ngốn đến 350 - 500 triệu đồng, đó là chưa kể tiền ăn uống, đi lại của công nhân; đặc biệt là chi phí tăng bo gần 3km để xuất lợn thịt đi bán; tăng bo cám vào trại… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, để phòng dịch LMLM và DTLCP, Cty đặt thêm 4 chốt phun tiêu độc khử trùng, một chốt hợp đồng phun tại nhà máy cám, 1 chốt tại xã Thạch Thanh (QL1A), 1 tại đường vào xã Thạch Vĩnh (nơi đặt trang trại) và 1 chốt tại cổng trại. Tăng tần suất, nồng độ phun trong trại, từ 3 ngày phun 1 lần lên 1 ngày phun 1 lần.

Mặc dù phòng dịch chặt chẽ như vậy, lợn của Cty đang an toàn như vậy nhưng do ảnh hưởng của DTLCP nên sản lượng lợn xuất bán bình quân đã giảm từ 120 con lợn thịt/ngày xuống còn 80 con/ngày. Riêng lợn con thì không bán được con nào, Cty phải đẩy hết xuống các hộ vệ tinh để nuôi lợn thịt. “Sản lượng giảm đã đành, giá lợn cũng bị thương lái ép. Chỉ trong khoảng 20 ngày giá lợn thịt đã từ 48.000 đồng/kg xuống còn 36.000 - 37.000 đồng/kg. Doanh nghiệp thua lỗ ba bề bốn bên”, ông Thảo lo lắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng vì lệnh cấm trại quá lâu nên 10 công nhân của Cty CP chăn nuôi Mitraco chán nản, đã bỏ việc.  

img

Thương lái ép giá, một bộ phận người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến người chăn nuôi lâm cảnh điêu đứng

Tuyệt đối không được giấu dịch

Theo thống kê sơ bộ, so với trước, số lợn giết mổ và bán trên thị trường Hà Tĩnh giảm khoảng 40 - 50% do tâm lý của người dân sau khi có thông tin về DTLCP.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu, đối với công tác phòng DTLCP, trong điều kiện dịch đang lây lan nhanh như hiện nay, việc kiểm soát nghiêm ngặt các chốt kiểm dịch ở huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ - giáp ranh tỉnh Nghệ An là quan trọng nhất.

Ngoài ra, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiểm soát đầu vào gia súc giết mổ và thực hiện đúng quy trình về giết mổ; ghi chép và theo dõi thông tin động vật trước và sau giết mổ. Điều này không chỉ góp phần hiệu quả trong công tác phòng chống dịch mà còn cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.

Những địa phương có mật độ chăn nuôi lớn như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ… thường xuyên nâng cao cảnh giác; nếu xuất hiện lợn chết bất thường cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời, tuyệt đối không được giấu dịch.