Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 17.3, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại 253 xã, 57 huyện của 19 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con, trong đó tỉnh mới xuất hiện là Bắc Ninh và một địa phương khác cũng đã xuất hiện là Thừa Thiên- Huế (đang đợi quyết định công bố dịch). Nguy cơ dịch bệnh này tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, gây tâm lý hoang mang đối với nhiều hộ chăn nuôi và cả người tiêu dùng thịt lợn. Để làm rõ những câu hỏi thắc mắc của bà con nông dân về cơ chế phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cũng như việc hiểu đúng về vấn đề an toàn thực phẩm, nhằm thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và vấn đề tiêu thụ thịt lợn, đảm bảo an toàn thực phẩm”. Tham dự buổi tọa đàm, có lãnh đạo: Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này. |
Buổi tọa đàm sẽ tập trung vào các nội dung chính như thông tin về tình hình dịch bệnh nói chung và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được các cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện. Trả lời các câu hỏi liên quan đến dịch tả lợn châu Phi (cơ chế lây bệnh, cách thức phòng chống dịch lây nhiễm). Hướng dẫn các biện pháp, giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (Phát hiện dịch bệnh, khai báo, tổ chức tiêu hủy...).
Các đại biểu, đại diện cơ quan quản lý cũng sẽ trả lời, giải đáp về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với việc tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch bệnh. Giải đáp các câu hỏi liên quan việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt lợn; hướng dẫn bảo quản, tiêu thụ thịt lợn an toàn, cũng như phân tích những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, hiến kế những giải pháp nhằm thúc đẩy chăn nuôi an toàn, bền vững...
Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tặng hoa cho các khách mời tới tham dự buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hoài - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt nói:
Kính thưa các vị khách mời tham gia buổi trực tuyến hôm nay, thay mặt Ban Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, tôi xin cảm ơn sự có mặt của các khách mời, các vị khách quý. Đến thời điểm này, theo thống kê của Cục Thú y đã có 18 tỉnh bị dịch tả lợn châu Phi và có 30.000 con lợn bị tiêu hủy.
Ban Tuyên giáo cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không quay lưng lại với thịt lợn, tránh những thiệt hại không đáng có cho bà con nông dân.
Trước buổi tọa đàm ngày hôm nay, trên báo điện tử Dân Việt và fanpage Danviet.vn chúng tôi cũng đã nhận được hàng trăm comment, phản hồi của độc giả về vấn đề này. Chính vì vậy, rất mong các vị khách mời tập trung trả lời ngắn gọn nhưng rõ ràng về những thắc mắc của độc giả, đồng thời giải đáp những vướng mắc, băn khoăn của độc giả trước áp lực tẩy chay thịt lợn như những ngày gần đây.
Xin chân thành cảm ơn!
Hiện dịch tả lợn châu Phi đã lan ra tới nhiều tỉnh, thành phố và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: I.T
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ cập nhật một số thông tin mới nhất về dịch tả lợn châu Phi: Tại Việt Nam, tính đến 19 giờ ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và gần đây nhất là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các ban ngành chức năng đã phải tiêu huỷ 34.774 con lợn.
MC hỏi: 2 ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên và Thái Bình, song vì sao chỉ trong vòng 1 tháng, dịch đã lây lan rộng như vậy và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì sao, ngay từ ổ dịch đầu tiên, chúng ta đã không tập trung, khống chế được?
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ cập nhật một số thông tin mới nhất về dịch tả lợn châu Phi: Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thành lập nhiều đoàn công tác đến tất cả các địa phương đã và đang có dịch tả lợn châu Phi điều tra, bước đầu có 1 số nguyên nhân chính như sau:
Phổ biến nhất là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn tới dịch bệnh lây lan nanh và ở diện rộng.
Hai là virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Ba là qua các kết quả điều tra tại ổ dịch tại Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, chúng tôi nhận thấy các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng.
Bốn là do yếu tố con người trong quá trình tham gia trực tiếp vào việc xử lí ổ dịch. Một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lí tiêu huỷ lợn bệnh không thực hiện vệ sinh triệt để nên lại mang mầm bệnh trong người. Bên cạnh đó, các dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi chưa được vệ sinh, phun thuốc sát trùng triệt để cũng là 1 trong những nguyên nhân gây bệnh.
Việc chỉ ra cụ thể nguyên nhân nào rất khó, chính vì thế Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong cuộc họp mới dây đã yêu cầu nghiên cứu, chỉ rõ những nguyên nhân chính để phòng chống dịch bệnh phát huy hiệu quả.
Toàn cảnh tọa đàm.
MC: Theo các cơ quan chức năng, trong thời gian qua dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém. Vậy thưa ông, hiện nay thống kê số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta là bao nhiêu? Hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi có đàn lợn bị tiêu hủy khi nhiễm dịch tả Châu Phi như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN và PTNT: Phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao. Cụ thể, cả nước có gần 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng tổng đàn lợn chỉ chiến hơn 40%. Đặc thù của của hộ này chăn nuôi rất nhỏ lẻ, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng. Đây là 1 trong những lý do khiến chỉ trong hơn 1 tháng tốc độ dịch tả Châu Phi lan ra 19 tỉnh, thành.
Về chính sách hỗ trợ thiệt hại, hiện nay người chăn nuôi có đàn lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả Châu Phi được hỗ trợ tối thiểu 80% giá thành, riêng đối với lợn giống, lợn đực giống… trong thời kỳ khai thác sẽ có hỗ trợ khác.
MC: Hiện nay có rất nhiều người dân lúng túng về quy trình phát hiện khai báo dịch, vậy xin cho biết khi thấy lợn bị bệnh và dấu hiệu bị bệnh, người dân cần phải làm như thế nào để khai báo?
Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y:
Quy trình này đã được quy định rõ trong thông tư 07 của Bộ NN&PTNT ban hành năm 2016.
Các quy định văn bản chỉ đạo đều nói rõ rằng: Đề nghị người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu thấy lợn nghi phát bệnh, người dân cần theo dõi các triệu chứng như lợn sốt cao, thứ hai, bệnh xảy ra ở mọi loại lợn nên chúng ta dễ dàng nhận biết được, thứ 3 tỉ lệ chết rất cao, khả năng chết 100% khi lợn nhiễm bệnh.
Khi thấy hiện tượng này người dân báo cho chính quyền thôn xã, cán bộ thú y, khuyến nông, đồng thời bà con thực hiện các biện pháp xử lý lợn bệnh lợn chết, không dấu dịch, không vứt lợn bệnh lợn chết ra môi trường, thực hiện vệ sinh sát trùng để dịch không lây lan.
Một vấn đề nữa là đề nghị bà con không bán chạy mà thực hiện phòng dịch là chính.
PGS.TS Phan Thanh Tâm - Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội: Kính thưa các anh chị và bà con có câu hỏi, trong bối cảnh dịch lợn tả châu Phi bên chăn nuôi và thú ý đã nói rất rõ về nguy cơ, thiệt hại. Muốn nhận biết nguyên liệu thịt lợn, muốn có an toàn cho người tiêu dùng về mặt lý thuyết cần có dấu kiểm định lợn của thú y.
Về mặt cảm quan, thịt lợn bị dịch tả châu Phi thì ngoài việc sốt, xuất huyết, lợn có vết tím, xám ở vùng bụng, chân, thịt không có độ mềm dẻo, săn chắc... đó là những đánh giá về mặt cảm quan còn dấu thú ý vẫn rất quan trọng.
Tất cả các sản phẩm thịt được được chế biến nhiệt trên 70% tạo cảm quan ngon, ở nước ngoài người ta bán rất nhiều nhiệt kế an toàn để cắm vào miếng thịt nhằm kiểm tra, đó là cách rất tốt để kiểm tra thịt an toàn. Trên nhiệt đó ở chỗ sâu nhất cả thịt đảm bảo tiêu diệt hết các loại giun sán, ấu trùng... đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, tôi thấy người tiêu dùng cũng có những cách truyền thống rất hay để kiểm tra nhiệt độ của thịt, cụ thể là dùng những vật nhọt để xiên vào thịt khi chế biến. Nếu thấy dịch tiết ra không có màu đỏ hồng thì cũng đã đạt trên 70 độ.
Nếu luộc bằng nước thì đo nhiệt độ nước cũng có thể biết được. Khi cắt ra không thấy rỉ dịch màu đỏ hồng nữa như khi thịt còn tươi. Đó cũng là cách để người tiêu dùng biết để chế biến và sử dụng thịt an toàn.
Cũng theo PGS.TS Phan Thanh Tâm: Đối với các loại thịt lên men như thịt muối, nem chua, thịt chua thì các loại giun, sán chưa thể bị loại bỏ hết nên tốt nhất người tiêu dung hạn chế các loại thực phẩm này. Tất nhiên, với những sản phẩm công nghiệp thì người ta đều dung 2 phương pháp là gia nhiệt và sử dụng muối, tương đối an toàn, thế nhưng ở quy mô hộ gia đình nếu tự làm thì không thể đảm bảo. Vì những lý do trên, khi sử dụng thịt lợn, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm uy tín và không nên quay lưng lại với các sản phẩm thịt lợn.
MC: Rất nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội hiện đang tỏ tâm lý hoang mang về việc sử dụng thịt lợn, một số người có tâm lý e ngại khi ăn thịt lợn. Vậy diễn biến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội hiện như thế nào, thành phố đã triển khai những giải pháp gì để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo việc tiêu thụ thịt lợn an toàn được diễn ra bình thường?
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói: Phải khẳng định những giải pháp phòng chống dịch đang được triển khai rất tích cực, kịp thời, tuy nhiên do đặc thù, dịch bệnh này vẫn lan toả.
Với góc độ chuyên môn, tôi xin thông tin thế này: Mong dịch này chấm dứt nhanh ở Việt Nam, đó là mong muốn, quyết tâm của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng biết rằng dịch bệnh này không thể chấm dứt một sớm một chiều.
Vậy chúng ta phải có giải pháp thế nào để đảm bảo cung cấp thực phẩm và duy trì ổn định ngành chăn nuôi?
Hiện nay, 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn, chúng ta không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thuỷ sản… Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng.
Có một vấn đề cần làm rõ, đó là độ an toàn của thịt lợn như thế nào để người tiêu dùng yên tâm?
Hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn. Hàng ngày gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn bình thường, ngay cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định như vậy.
Ví dụ ở Tây Ban Nha, 35 năm nay nước họ vẫn có dịch bệnh này, vậy tại sao đùi lợn muối, đùi lợn xông khói của họ vẫn tiêu thụ rất tốt? Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều đảm bảo an toàn.
Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để chúng ta không sử dụng. Một lần nữa, chúng ta kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch.
Khi có dịch, ngoài việc người chăn nuôi bị thiệt hại thì chi phí tiêu huỷ, vệ sinh tiêu độc khử trùng và các chi phí liên quan rất lớn. Do đó, nếu chúng ta quay lưng lại thì ngành chăn nuôi sẽ vô cùng khó khăn.
Một cử chỉ của người tiêu dùng lúc này - ăn thịt lợn sạch là một cách chúng ta chung tay cùng nhà nước và người chăn nuôi chống dịch.
Còn đối với người chăn nuôi, không bao giờ được phép có suy nghĩ bán lợn bệnh ra thị trường, một con sâu làm rầu nồi canh, có bệnh là phải tiêu huỷ ngay lập tức. Đừng vì tiếc của mà bán chạy, giấu dịch, hay cố cứu chữa vì đã có nhà nước hỗ trợ rồi.
Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y bổ sung:
Thứ nhất là người chăn nuôi, tiêu dùng không nên quá hoang mang trước dịch tả lợn châu Phi, bởi bệnh này không lây nhiễm ở người.
Thứ 2, cả nước mới có hơn 34.000 con lợn bị tiêu huỷ, chiếm 0,1% so với tổng đàn lợn của cả nước. Có nghĩa là số lợn bị tiêu huỷ so với tổng đàn còn rất thấp. Toàn bộ số lợn bệnh, nghi bệnh đều đã được tiêu huỷ, người tiêu dùng không cần phải băn khoăn về chuyện lợn có bệnh tuồn ra ngoài thị trường.
Còn lại, đàn lợn của chúng ta vẫn có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm, vì vậy người tiêu dùng không nên hoang mang.
MC hỏi: Thông qua fanpage chúng tôi nhận được câu hỏi của các bà con ở Thanh Hóa chuyên làm nem chua ở Thanh Hóa cũng như các hộ làm nem Phùng, nem nắm… : Làm cách nào để vẫn có thể chế biến các sản phẩm này trong giai đoạn dịch đang lan nhanh ở khắp nơi?
Bà Phan Thanh Tâm, Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội:
Như tôi đã nói ở trên, nếu lợn của chúng ta mắc bệnh và kiểm soát tốt chúng ta đã tiêu hủy, còn nếu lợn khỏe mạnh thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng để làm các loại nem. Thế nhưng phải chắc chắn là thịt lợn an toàn thì bà con mới sử dụng, và cách để lựa chọn thịt an toàn thì tôi đã lý giải ở trên. Theo tôi được biết, nem chua thường được làm từ thịt sống và sẽ lên men, tự chín bằng các loại gia vị như muối, tiêu, tỏi… chính vì vậy nếu không lựa chọn nguyên liệu an toàn thì đây chính là mối nguy lớn, gây mất an toàn thực phẩm.
Tương tự, các loại nem khác như nem Phùng, nem nắm… cũng là thịt chỉ trần sơ qua, chưa tiêu diệt hết mầm bệnh nên một lần nữa tôi xin nhắc lại là phải chắc chắn thịt an toàn thì mới sử dụng để làm các loại nem.
Tôi cũng bổ sung thêm về phương pháp gia nhiệt mà tôi vừa nói ở trên, đó là ngoài nhiệt độ còn phải có yếu tố thời gian và tùy vào trọng lượng, kích cỡ của miếng thịt để có thể đảm bảo gia nhiệt tốt nhất, an toàn nhất cho miếng thịt. Chỉ khi đạt được những điều kiện đúng và đủ thì miếng thịt mớt đạt được cảm quan tốt nhất và đạt độ an toàn nhất.
Bên cạnh phương pháp gia nhiệt, chúng ta còn có vòng bảo vệ cuối cùng nữa đó chính là phương pháp chế biến, nếu chế biến hợp vệ sinh, an toàn thì không có lý do gì mà chúng ta lại quay lưng với các sản phẩm thịt lợn.
Ông Dương Văn Chí ở xã Xuân Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 1.000 con hỏi: Theo các cơ quan chức năng khuyến cáo, chăn nuôi an toàn sinh học hiện nay là giải pháp hữu hiệu phòng chông dịch tả lợn Châu Phi. Vậy nông dân chúng tôi cần làm thế nào để áp dụng phương pháp chăn nuôi này. Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin có chế phẩm sinh học, thuốc giúp ức chế vi rus tả lợn châu Phi trên đàn lợn. Vậy thực hư thông tin này như thế nào?
Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia:
Theo đánh giá của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam), an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khu chăn nuôi lợn là rất quan trọng để ngăn chặn sự thâm nhập của dịch tả lợn châu Phi. Về quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bà con cần chọn giống là những con của cặp bố mẹ có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ.
Thứ 2 về thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu; nước uống cho đàn lợn phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, đàn lợn cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Điều kiện để chăn nuôi lợn theo phương pháp an toàn sinh học rất đơn giản, bà con có thể áp dụng được ngay.
Câu hỏi thứ 2 là trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin có chế phẩm sinh học, thuốc giúp ức chế virus tả lợn châu Phi trên đàn lợn là hông có cơ sở khoa học. Dịch tả lợn Châu Phi là do virus, muốn phòng chống dịch bệnh phải có vaccine, nhưng hiện tại chưa có vắc xin hiệu quả để bảo vệ lợn khỏi bệnh. Do đó, bà con cần thực hiện nghiêm phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó chú ý tiêu độc khử trùng cho đàn lợn.
Hiện, bà con thực hiện tiêu độc khử trùng chưa đúng khuyến cáo, chưa đúng khoa học kỹ thuật. Để đạt được hiệu quả cao trong sát trùng bà con cần chú ý làm sạch chuồng trại trước khi tiêu độc khử trùng.
Đây là bước quan trọng, bao gồm dọn dẹp toàn bộ chất hữu cơ có trong chuồng trại một cách triệt để, tiến hành rửa cọ bằng nước, bước này làm giảm đi mật số vi sinh vật và bề mặt chuồng trại, để làm tiền đề cho các bước sau.
Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y:
Dịch tả lợn châu phi xuất hiện gần 100 năm rồi, đến nay thế giới vẫn chưa có thuốc và vắc xin phòng bệnh. Đến thời điểm hiện nay với vai trò cơ quan nhà nước quản lý thuốc thú y, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào có chế phẩm, sản phẩm thuốc phòng chống được dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Hiện nay, phương pháp rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả đã được kiểm chứng và được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng. Biện pháp này đã được tất cả các địa phương thực hiện và cho thấy hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh rất tốt, các hộ chăn nuôi cần tích cực áp dụng biện pháp này.
Hiện nay trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin không chính xác, thậm chí bịa đặt về dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nghiêm những người phát tán thông tin không chính xác.
Chúng tôi đề nghị bà con cần cẩn trọng trước những thông tin không chính xác lan truyền trên các trang mạng xã hội, không hoang mang, lo lắng. Bà con cần thực hiện các bước phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT đưa ra.
Bà Phạm Thị Minh, chủ một trang trại lợn có quy mô lớn ở một vùng dịch của huyện Đông Hưng, Thái Bình hỏi: Hiện nay trang trại của tôi đnag nuôi trên 200 con lợn (không bị dịch bệnh), phần lớn số vật nuôi này đã đến tuổi xuất chuồng nhưng do nằm trong vùng dịch nên không thể xuất bán được mà vẫn phải giữ nuôi khiến cho kinh tế của gia đình bị thiệt hại mỗi ngày một nặng hơn, vậy Nhà nước có chính sách hỗ trợ gia đình tôi và bà con không?
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y:
Thứ nhất chúng tôi rất chia sẻ với người chăn nuôi ở vùng dịch, theo quy định của cục thú y hiện nay, bước số một chúng ta vẫn phải tuân thủ pháp luật về thú y.Đây không chỉ là mối quan tâm của bà con chăn nuôi mà đã có sự vào cuộc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và toàn hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chủ trì những vùng có dịch tả Châu Phi, với những cơ sở chăn nuôi được lấy mẫu xét nghiệm có dịch tả được vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Trong vùng dịch dưới sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan thú y được phép giết mổ tại chỗ.
Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, bảo đảm vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng tiêu độc sau mỗi ca giết mổ.
Về chính sách hỗ trợ quy định, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày cho phép các tỉnh, thành phố sử dụng quy hỗ trợ của địa phương để hỗ trợ bà con.
Ông Lê Văn Tư ở thị xã Sơn Tây - Hà Nội có hỏi: Sau bao lâu thì người dân chúng tôi có thể chăn nuôi trở lại? Chúng tôi nên thực hiện những biện pháp gì để phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm?
Ông Nguyễn Văn Long: Theo quy định Thông tư 4527 ngày 15.11.2018 của Bộ NN&PTNT thì sau 30 ngày kể từ ngày địa phương đó thực hiện tiêu hủy con vật nhiễm bệnh cuối cùng, người chăn nuôi có thể tái đàn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo là bà con không nên tái đàn một sách vội vàng, ồ ạt. Bước 1 chỉ nên nuôi 10% công năng, gọi là nuôi chỉ báo, sau đó lấy mẫu xem mầm bệnh còn tồn tại hay không rồi mới tăng đàn dần dần để đạt mức nuôi ban đầu.Vì sao lại là 30 ngày mà không phải con số khác?
Vì nếu con lợn bị nhiễm bệnh này thì con lợn cần thời gian từ 19-30 ngày để phát bệnh, sau khoảng thời gian trên nếu không có con vật nào nhiễm bệnh thì chúng ta mới được phép công bố hết dịch và có thể tái đàn. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng để đưa ra con số này chứ không phải là bâng quơ.
Bà Hạ Thúy Hạnh: Tôi xin bổ sung them ý của anh Long, trước khi tái đàn chúng ta phải thực hiện tốt việc làm sạch, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi… trước khi tái đàn. Đây là việc làm vô cùng cần thiết để phòng trừ các dịch bệnh khác chứ không riêng gì dịch bệnh mà đàn gia súc gia cầm đã mắc phải trước đó.
Và để tránh thiệt hại cho bà con, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên tiêu diệt các loại côn trùng như: muỗi, gián, chuột, các loại ve mềm… Đây cũng chính là trung gian gây bệnh mà nếu không chú ý thì không thể tiêu diệt hết mầm bệnh.
MC hỏi: Từ đợt dịch tả này, trước đó là lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, nhiều người cho rằng đã đến lúc ngành chăn nuôi cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa, bởi có thể dịch bệnh xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hiện nay nước ta đã hình thành khá nhiều chuỗi chăn nuôi và chuỗi sản xuất thịt mát, liệu đây có phải là xu thế tất yếu mà chúng ta cần hướng tới?
Ông Nguyễn Xuân Dương trả lời:
Áp lực của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây rất lớn. Trước đây là chất cấm, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, năm 2017-2018 là áp lực về thị trường, còn năm nay là áp lực dịch bệnh. Như vậy có thể thấy, càng ngày, ngành chăn nuôi của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung sẽ phải chịu áp lực rất lớn, bởi chăn nuôi có tính chất mở toàn cầu, có sự giao thương qua lại từ nhiều nước, đặc biệt áp lực của Việt Nam lại càng lớn hơn bởi chúng ta chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự phát còn nhiều. Khi có thị trường tốt thì ào ào nuôi, dù so với những năm trước, viẹc chăn nuôi tự phát đã giảm đáng kể.
Việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh. Do đó phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở tất cả các ngành hàng như thịt lợn, gia cầm, thuỷ sản, sữa… Không ai giúp người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, thị trường, an toàn thực phẩm tốt bằng doanh nghiệp.
Bởi các doanh nghiệp với đặc thù riêng, họ thực hiện kiểm soát nội bộ theo chuỗi rất tốt. Họ trang bị cho nhau những kiến thức cụ thể, thay đổi kĩ năng, thói quen chăn nuôi theo một tiêu chuẩn chặt chẽ. Thực tế cho thấy, thông qua liên kết chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, người chăn nuôi đơn lẻ mới có thể hiểu biết nhanh hơn, nâng cao trình độ sản xuất tốt hơn.
Vấn đề này, các nước có nền chăn nuôi tiên tiến đã làm rất lâu rồi và rất hiệu quả. Do đó liên kết sẽ là câu trả lời hiệu quả nhất nhằm tái cơ cấu nhanh nhất ngành chăn nuôi để chúng ta hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Một cán bộ khuyến nông thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình nêu: Hiện nay ở nhiều nơi, đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở đều đã sáp nhập vào Trung tâm dịch vụ, qua thực tế cho thấy đây cũng là những nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, công tác kiểm tra, vào cuộc phòng chống dịch vì thế khá chậm, lơ là, nhiều nơi không thể huy động được người tham gia chống dịch vì cán bộ còn phải đi làm "dịch vụ". Trong khi ở những nơi vẫn còn nguyên Trạm Thú ý, Chi cục Thú y thì vào cuộc rất nhanh, báo cáo dịch rất tốt vì họ có lương trách nhiệm. Vậy chúng ta có nên giữ nguyên hệ thống cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở như trước hay không?
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia:
Thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 về việc sáp nhập đội ngũ cán bộ thú ý, khuyến nông cơ sở, đến nay đã có gần 20 tỉnh, thành thực hiện. Khi chưa có dịch xảy ra thì việc này đã ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ thú ý, khuyến nông cơ sở.
Khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, nhiều tỉnh, thành tạm dừng triển khai Nghị quyết 18, 19. Đây là vấn đề về bộ nhóm, còn về chức năng nhiệm vụ vẫn cán bộ nào thực hiện nhiệm vụ nấy. Bản thân tôi cho rằng, thời điểm này chưa thích hợp cho việc sáp nhập chưa được, vì sẽ gây xáo trộn tâm lý của đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở.
MC: Về vấn đề lựa chọn thịt lợn an toàn hay thịt mát, xin bà Thanh Tâm cho biết, trong thời gian qua cũng có nhiều người hỏi tôi ăn thịt lợn lúc này thì nên chọn thế nào?
Bà Phan Thanh Tâm, Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội:
Muốn an toàn nhất bà con hãy mua ở siêu thị, vì sản phẩm thịt lợn ở siêu thị đã được kiểm soát chặt chẽ, bảo quản trong tủ mát theo đúng tiêu chuẩn. Mới đây chúng ta đã ban hành tiêu chuẩn thịt mát, điều này rất có ý nghĩa nhằm thúc đẩy tiêu dùng an toàn. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn thịt mát và áp dụng từ rất lâu rồi, từ mấy chục năm nay nhiều nước không dám tiêu thụ thịt nóng.
Để thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi và phát triển tiêu thụ thịt mát, các trang trại nhỏ hơn có thể tham gia, ghép vào chuỗi của các doanh nghiệp để cải thiện chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về vi sinh vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y:
Trong gần 6 năm qua khi hệ thống này chưa bị sát nhập, công tác phòng chống dịch bệnh làm rất tốt, nhờ có công tác thú y tốt nên chăn nuôi tăng trưởng tốt, tăng về số lượng, sản lượng và chất lượng.
Quay trở lại lịch sử kể từ khi có ngành thú y đến nay (70 năm), ngành thú y có rất nhiều xáo trộn, nhưng cuối cùng cũng phải duy trì lực lượng thú y để chăm lo sức khỏe vật nuôi. Trên thế giới có 2 tổ chức chuyên biệt, đối với dịch bệnh trên người có Tổ chức Y tế thế giới, và tổ chức Thú y thế giới. Ngay tại các nước trong khu vực, họ cũng có hệ thống thú y chuyên biệt từ trung ương đến địa phương và hệ thống này của họ được đầu tư kinh phí rất lớn để phòng chống dịch bệnh.
Các tổ chức thế giới đã thông kê, trên 75% dịch bệnh trên người đều liên quan đến động vật, bùng phát từ động vật, vậy kiểm soát tốt dịch bệnh trên động vật cũng là để kiểm soát tốt dịch bệnh trên người. Chính vì vậy, chúng ta cần duy trì, kiện toàn hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương.
Tình hình dịch bệnh vừa qua cho thấy việc duy trì bộ máy thú y rất quan trọng, điều này thể hiện rõ trong các cuộc họp chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, mới nhất là cuộc họp bàn phòng chống dịch bệnh tả châu Phi do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của bộ máy thú y tỏng phòng chống dịch bệnh.
Phóng viên Ngô Nguyên Huân – Báo Nông nghiệp Việt Nam có hỏi: Từ khi Cục thú y thông tin về dịch đến nay đã 1 tháng nhưng Cục thú y vẫn chưa đưa ra được phương án phòng tránh mang tính hiệu quả cao nhất. Vậy những trang trại, gia trại lớn ở Việt Nam như CP, Dabaco... chưa hay đã xảy ra dịch bệnh? Làm sao quản lý và kiểm soát được?
Ông Nguyễn Văn Long:
Câu hỏi của phóng viên rất sát thực tế. Tôi xin khẳng định cho đến hiện nay tất cả các ổ dịch đều xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có trang trại nào quy mô trên 500 con lợn bị bệnh.
Tôi giả sử các trang trại chăn nuôi lớn nuôi hàng nghìn con lợn muốn tiêu thụ bắt buộc phải qua kiểm dịch thú y. Thêm một đặc điểm nữa tôi đã nói rõ, bệnh này đã mắc thì lợn chết 100% nên không có chuyện giữ lợn bệnh vài ngày trong trang trại, người dân cũng đóng giám sát rất tốt nên không thể giấu được. Hay nói cách khác, đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin thông qua kiểm soát thú y và các kênh giám sát khác nhau là chưa có trang trại quy mô nào bị bệnh.
Từ khi dịch tả châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT, các cơ quan chuyên ngành của Bộ đã chỉ đạo quyết liệt nên các trang trại chăn nuôi cũng đã và đang làm rất quyết liệt vấn đề về an toàn sinh học để chống dịch.
Về việc lấy mẫu phân tích các bệnh phẩm trên thịt lợn là vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thú y các cấp. Thực tế trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, hệ thống cơ quan thú y các cấp đã tăng cường lấy 6.000 mẫu tại các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ thịt lợn để xét nghiệm.
Tính đến ngày 14/3/2019, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, cho kết quả dương tính 1.310 mẫu; trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu); mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).
Sau khi phát hiện ra dịch tả lợn, các cơ quan thú y đã lấy thêm trên 3.000 mẫu, trong đó phát hiện trên 60% số mẫu lấy dương tính với dịch bệnh.
Bà Thanh Tâm bổ sung thêm câu hỏi của PV Nguyên Huân: Công nghệ để làm ra thịt mát đòi hỏi các DN phải đầu tư trang thiết bị rất hiện đại, bởi ngay sau khi con lợn được kiểm soát thú y, giết mổ thì thịt lợn phải được làm lạnh ngay lập tức.
DN phải đầu tư máy móc hiện đại mới đáp ứng được đòi hỏi này. Thịt mát sau khi trải qua giai đoạn làm lạnh đột ngột, rồi mềm hoá nên đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, chất lượng thịt thơm ngon. Mặc dù hiện chưa có ai khảo sát tỉ lệ tiêu thụ thịt mát trong siêu thị là bao nhiêu, nhưng thực tế thịt lợn tiêu thụ tại chợ truyền thống vẫn còn rất nhiều và như chúng ta thấy, hầu hết thịt lợn bán tại chợ cóc không được bảo quản.
Tuy nhiên tôi có thể khẳng định thịt gia súc, gia cầm qua giết mổ đều đã được kiểm soát qua lực lượng thú y. Trong các đợt dịch như thế này, ngành thú y cần tăng cường kiểm soát, kiểm dịch hơn nữa, có thể làm việc tới 200 – 300% công suất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Phóng viên Nguyễn Hạnh – Đài truyền hình VTC: Vì sao chúng ta không phải hoang mang, chúng ta có cách bảo vệ phía sau như thế nào?
Bà Phan Thanh Tâm: Có nhiều vòng kiểm soát, bên cạnh đó lực lượng thú y đã làm việc hơn 200% công suất. Vòng chế biến, quan tọng nhất là gia nhiệt, các nước trên thế giới đều có quy định, đo nhiệt độ sâu nhất của miếng thịt phải đạt 70 độ C.
Để tăng tính an toàn chúng ta có thể tăng nhiệt độ vùng kiểm tra sâu nhất lên 72-75 độ C để đảm bảo an toàn. Các nước trên thế giới đều chế biển chuẩn, tuy nhiên chế biến tỏng gia đình cần lưu ý điều này, khi nấu, chế biến chúng ta phải đảm bảo ở mức nhiệt độ đó. Trừ những sản phẩm như thịt muối, nem chua đều không đảm bảo loại trừ các tác nhân gây bệnh. Các sản phẩm được thú y chứng nhận an toàn thì sản phẩm đó an toàn.
Phóng viên Nguyễn Hạnh – Đài truyền hình VTC: Dịch tả châu Phi, vì sao lợn nhiễm dịch tả vì sao không ra ngoài được?
Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y:
Kể từ khi có dịch bệnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, hệ thống thú y làm việc hết công suất. Bản thân người chăn nuôi cũng là thành phần tham gia giám sát. Các đàn lợn, sản phâm rthtij lợn được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan thú y nên người dân yên tâm sử dụng.Khi vùng nào đó công bố dịch thì địa phương quản lý rất chặt đều có các trạm chốt chặt kiểm dịch. Những người chăn nuôi chân chính họ sẽ thực hiện đúng quy định.Chính phủ có Nghị quyết số 16, các địa phương đã hỗ trợ rất nhanh, tôi đi công tác Hưng Yên, địa phương này khi có dịch đã có bố trí nguồn hỗ trợ cho dân ngay lập tức. Người dân cũng muốn được hỗ trợ chứ không muốn làm trái quy định.
Buổi tọa đàm của chúng ta đã diễn ra hơn 2 giờ đồng hồ với sự trao đổi cởi mở, tích cực. Ban tổ chức đã nhận được hàng chục câu hỏi từ các đơn vị tham dự. Buổi tọa đàm này cũng đã được trực tuyến trên trang nhất Báo điện tử Dân Việt. Điều này chứng tỏ đây là một vấn đề thời sự rất được quan tâm. |