Dân Việt

Sau hơn 7 năm, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã về đích NTM trọn vẹn

Thiên Ngân 20/03/2019 06:00 GMT+7
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã về đích trọn vẹn nhờ sự chung sức, đồng lòng xây dựng NTM của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Hiện nay, huyện Phúc Thọ có 22/22 xã, đạt 100% số xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM. Huyện đang tiến hành tổ chức thực hiện tiếp NTM nâng cao ở 22 xã.

3 mô hình độc đáo

Ông Doãn Trung Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho hay, phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM đã thực sự làm thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc Phúc Thọ cả về bình diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện

img

Nghề trồng hoa ly mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Phúc Thọ (Hà Nội).  Ảnh: Hải Đăng

Đối với việc phát triển các hợp tác xã (HTX), huyện đã thực hiện tổ chức và đăng ký lại 23/23 HTX nông nghiệp và 11 HTX chuyên ngành theo Luật HTX năm 2012. Đa số các HTX sau khi đã tổ chức lại đều hoạt động hiệu quả hơn, bộ máy quản lý và điều hành gọn nhẹ, số lượng cán bộ quản lý trẻ, qua đào tạo tăng…

Phúc Thọ đã tập trung dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Các nhiệm vụ được triển khai đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; dễ làm trước, khó làm sau. Huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, Phúc Thọ đã triển khai hiệu quả 3 mô hình. Một là mô hình ngày sinh hoạt cộng đồng: 180 cụm dân cư trên địa bàn đồng loạt tổ chức sinh hoạt theo chủ đề như dồn điền đổi thửa, xây dựng NTM, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng...

Huyện định hướng nội dung, hỗ trợ mỗi cụm dân cư 1 triệu đồng, phân công cán bộ trực tiếp về dự. Đây thực sự là mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Hai là hoạt động đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã với đại diện nhân dân hàng năm theo các nhóm chủ đề. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư được huyện đặc biệt chú trọng với quan điểm “tăng đối thoại, giảm đơn thư”, “mỗi tuần, mỗi tháng giải quyết dứt điểm một vụ việc”. Với quan điểm đó, trong 2 năm qua, huyện đã giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng lâu năm, trong đó có những vụ việc tồn đọng 20, 30 năm.

Ba là từ tháng 6.2017, Phúc Thọ phát động cuộc vận động 3 sạch: “Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch”. Sau hơn một năm, cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm của người dân về một nền nông nghiệp an toàn, về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp...

Tập trung 3 khâu đột phá

Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, đến nay, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

img

Chăm sóc cà chua tại HTX Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt

Huyện đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết giá trị, thực hiện hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản và tăng niềm tin với người tiêu dùng, chủ yếu là những loại nông sản chủ lực của huyện như rau an toàn, chuối, bưởi, thịt lợn.

Phúc Thọ xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng thành công huyện NTM điển hình tiên tiến, một vùng nông thôn trù phú, kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, người dân sống thân thiện, mến khách, trở thành nơi mà mọi người mong được đến, thích ở lại và muốn đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Doãn Trung Tuấn cho biết, Phúc Thọ xác định 3 khâu đột phá. Thứ nhất là quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, giúp “dân giàu”.

Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII) nhằm tăng thu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, mặt bằng sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp về đầu tư…

Thứ ba là thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch”, nâng cao tiêu chí huyện NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.