Nằm cách trung tâm TP.Thái Nguyên khoảng 50km, xóm Na Sàng thuộc xã Phú Đô, huyện Phú Lương, với hơn 90% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của đồng bào người Mông xóm nghèo nơi đây luôn gắn liền với cái cuốc, cái gùi. Tài sản lớn nhất trong nhà cũng chỉ là con trâu, con bò.
Anh Lý Văn Sình đang chăm sóc vườn keo đã được 3 tuổi.
Khao khát thay đổi cuộc sống, mong muốn thoát khỏi đói nghèo, nhưng cây ngô, cây sắn, cây chè... không thể giúp đồng bào người Mông ở Na Sàng thoát nghèo. Cũng như bao người dân nơi đây luôn khao khát về một cuộc sống no đủ, anh Lý Văn Sình (53 tuổi, xóm Na Sàng) cũng luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Sau nhiều năm chật vật, anh Sình đã mạnh dạn chuyển sang trồng keo lai kết hợp chăn thả dê, phù hợp với địa hình núi cao nơi đây.
Theo anh Sình, cây keo có độ sinh trưởng nhanh so với các loại cây trồng khác, chỉ khoảng 7 năm là cho thu hoạch. “Trồng keo không mất nhiều công sức, chỉ khó khăn ở 2 năm đầu, các năm còn lại thì chỉ phát quang và chờ cây trưởng thành rồi bán. Cây keo cũng ít bị sâu bệnh, có thì cũng chỉ là sâu đục thân nên rất dễ chăm sóc”, anh Sình chia sẻ.
Ngoài trồng keo, anh Sình còn tận dụng địa hình đồi núi để nuôi dê. Ban đầu chỉ là vài con, nhưng sau vài năm chăm sóc, số dê của gia đình anh đã lên đến 50 con. Anh Sình cho biết, loài dê sống rất sạch sẽ, chúng ăn tạp các loại cỏ cây nên rất dễ chăn thả. Đặc biệt, chúng có thể leo trèo trên những tảng đá khá cao nên nguồn thức ăn luôn dồi dào, phù hợp với địa hình nơi đây đa phần là núi đồi.
Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Sình.
Trước đây, gia đình Lý Văn Sình thuộc trường hợp nghèo nhất, nhì xóm Na Sàng. Nhưng nay với 11ha rừng, trồng chủ yếu keo và bạch đàn, gia đình anh Sình thu nhập khoảng 100 triệu/ha. Nhờ thu nhập từ trồng keo và nuôi dê, cuộc sống của gia đình anh Sình ngày càng khá giả, có của ăn của để. Anh không những xây được nhà cửa khang trang mà còn nuôi hai con học đến đại học.
Thấy gia đình anh Sình khấm khá từ việc trồng keo và nuôi dê, nhiều bà con trong xóm cũng đã chuyển đổi từ cây ngô, cây sắn sang trồng keo. Giờ đây, 100% hộ gia đình xóm Na Sàng đều trồng rừng.
Mưa bụi tháng 3 là thời điểm thích hợp nhất để đồng bào trồng keo.
Chị Lý Thị Pàng (xóm Na Sàng) cho biết, trước đây gia đình chị cũng thuộc hộ nghèo. Nhưng từ sau khi chuyển trồng và bán keo, gia đình đã dành dụm được số tiền khá lớn để xây nhà. Đến năm 2017, gia đình chị Pàng đã thoát nghèo. “Dù cũng phải vay mượn khá nhiều nhưng chủ yếu vẫn là tiền từ đồi keo. Có tiền mình mới dám làm nhà,” chị Pàng nói.
Ngôi nhà gần hoàn thiện của gia đình chị Lý Thị Pàng có giá gần 500 triệu đồng.
Theo anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm Na Sàng: “Khi bà con chuyển đổi sang trồng rừng thì cuộc sống cũng khá giả hơn so với những năm trước. Tỉ lệ hộ nghèo giảm, giai đoạn 2010 – 2015, giảm từ 18 xuống còn 16 hộ nghèo, năm 2015 – 2018 giảm còn 7 hộ nghèo”.
Trồng rừng và nuôi dê đều là những loại hình nuôi trồng mới đối với đồng bào người Mông từ khoảng 7, 8 năm trở lại đây. Theo thống kê của UBND xã Phú Đô, huyện Phú Lương, toàn xã có 2.258ha đất trồng rừng, trong đó xóm Na Sàng chiếm 80ha trên 28 hộ. Năm 2018, toàn xã trồng mới và trồng lại đạt 26ha, trồng mới, trồng lại diện tích đạt 65ha, độ che phủ cao hơn các năm trước là 50% .
Cũng theo Đảng Ủy xã Phú Đô, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 93%, tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 10,75%.