Dân Việt

Siết chặt buôn bán lợn cảnh mini bụng phệ, má phính làm thú cưng

Minh Huệ 19/03/2019 20:45 GMT+7
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn cảnh mini bất hợp pháp qua biên giới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang diễn biến phức tạp và không ngừng lan rộng.

Lợn cảnh mini giá 2,7 - 5 triệu đồng/con

Trước tình hình DTLCP không ngừng lan rộng, Cục Thú y mới đây cho biết, việc vận chuyển, buôn bán lợn cảnh mini cũng có nguy cơ lây lan dịch cao. Hiện lợn cảnh mini được bán tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với giá từ 2,7 - 5 triệu đồng/con tùy giống và nguồn gốc, với mục đích làm thú cưng. Bộ NN&PTNT nhận định nhiều khả năng lợn cảnh đã được nhập lậu qua biên giới từ các nước láng giềng vào Việt Nam để tiêu thụ.

img

Việc vận chuyển, buôn bán lợn cảnh mini qua biên giới diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ lây lan DTLCP. Ảnh minh họa: I.T

Theo các đầu mối bán lợn cảnh mini, loại này là giống lợn hương. Chúng có kích cỡ nhỏ, tai nhỏ, vểnh, bụng phệ, lưng cong, má phính, đầu tròn, mõm, chân, cổ và cái đuôi ngắn, dày lông. Vì nuôi làm cảnh nên chúng thường ăn cám viên hoặc ngũ cốc, sữa.

Trước tình hình vận chuyển, buôn bán lợn cảnh mini qua biên giới diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan DTLCP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng cường kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn cảnh bất hợp pháp.

Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, một số cơ quan truyền thông phản ánh hiện tượng gia tăng buôn bán, vận chuyển lợn cảnh mini, nhiều khả năng lợn cảnh này đã được nhập lậu qua biên giới từ các nước láng giềng vào Việt Nam để tiêu thụ.

Trong khi đó, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 16/3/2019, Trung Quốc thông báo có tổng cộng 113 ổ bệnh DTLCP xuất hiện tại 28 tỉnh, buộc phải tiêu hủy trên 1,1 triệu con lợn; và hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 17/3, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 253 xã, 57 huyện của 18 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con, trong đó tỉnh mới xuất hiện là Bắc Ninh. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

"Chiến lược” chống dịch tả lợn châu Phi của FAO

Về công tác chống dịch, theo Cục Thú y, tại các ổ dịch, mặc dù có các chốt kiểm dịch nhưng không kiểm soát chặt chẽ được phương tiện, người, động vật, sản phẩm động vật. Tại Thái Bình, đoàn công tác của FAO và một số đoàn công tác khác đã phát hiện người dân chở lợn sống bằng xe máy trong thôn đang có dịch.

img

Lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi được cân để người chăn nuôi nhận hỗ trợ thiệt hại. Ảnh: Phạm Tăng

Trên địa bàn các tỉnh, hầu hết là các cơ sở giết mổ (hộ gia đình) nhỏ lẻ không có cơ quan chức năng kiểm soát. Việc quản lý thương lái đi thu mua lợn, những người tham gia truyền tinh lợn, buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,… cũng chưa triệt để.

Theo kinh nghiệm của FAO, các yếu tố truyền và lây lan DTLCP là vận chuyển đường dài chiếm 17%, cho ăn thức ăn thừa chiếm 62%, còn lại là phương tiện giao thông và yếu tố con người. Bởi thế, chiến lược kiểm soát dịch của Trung Quốc là không cho thức ăn thừa từ bếp ăn (trên quy mô toàn quốc); Kiểm soát vận chuyển lợn sống, thịt lợn và sản phẩm từ thịt. Xử lý và tiêu hủy tất cả lợn trong trại nhiễm bệnh, hỗ trợ 1.200 NDT/con (tương đương khoảng 4 triệu/con).

Đối với Việt Nam, chiến lược ứng phó mà FAO khuyến cáo là: Phát hiện sớm và ứng phó nhanh; Điều tra ổ dịch; Kiểm soát vận chuyển; Xử lý và tiêu hủy; Nghiêm cấm cho thức ăn thừa từ bếp ăn. Mục đích là phải tiêu diệt virus nhanh hơn sự lây lan của nó.

FAO cam kết khả năng hỗ trợ đối với Việt Nam bằng các nguồn lực toàn cầu, khu vực. Cụ thể, sẽ hỗ trợ kỹ thuật quy trình điều tra ổ dịch; Cung cấp tài liệu truyền thông nguy cơ; Trung tâm quản lý khẩn cấp thú y; Quản lý khẩn cấp; Xử lý và tiêu hủy; Kế hoạch hành động trung và dài hạn; Đánh giá tác động kinh tế xã hội và các biện pháp ứng phó với DTLCP…