Dân Việt

Ấn Độ một lần ghé đến

29/01/2012 07:05 GMT+7
(Dân Việt) - Đi qua những cánh đồng Ấn Độ mênh mông trong mưa phùn buổi sáng và nắng ấm buổi trưa, trước mặt chúng tôi, khi thì bạt ngàn màu vàng hoa cải, khi thì xanh mơn mởn các loại hoa màu.

Xuất khẩu gạo

Trước khi đến Ấn Độ vào cuối tháng 1 năm ngoái, tôi đã nghe một chuyên gia nông nghiệp nói về cuộc “Cách mạng xanh” lần thứ nhất vào những năm 60 thế kỷ trước với việc thực hiện chương trình khai hoang, phục hoá, xây dựng hệ thống thủy nông… đặc biệt là việc tạo ra những giống lúa và cây trồng có năng suất cao ở đây.

img
Nông dân Ấn Độ.

Sau 20 năm, cuộc “Cách mạng xanh” lần thứ 2 mở ra. Nhờ đó, mà diện tích cây lương thực tăng từ hơn 100 triệu ha đến gần 200 triệu ha vào cuối thế kỷ. Từ đó năng suất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ bừng lên đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bây giờ, trước mặt chúng tôi là những cánh đồng với đủ loại cây trồng có năng suất cao, có khả năng chống dịch bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu. Người nông dân nói với chúng tôi rằng, công đầu là do các nhà khoa học nông nghiệp Ấn Độ. Họ tạo ra giống mới, chất lượng tốt, họ hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp công nghệ và kỹ thuật canh tác mới mà việc quan trọng hàng đầu là quản lý và điều phối nguồn nước tưới...

Từ một quốc gia đông dân, sản lượng lương thực bấp bênh, cuộc “Cách mạng xanh” như một phép lạ đã biến Ấn Độ thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.

Đất nước của sữa trâu…

Chúng tôi đi từ Nam lên Bắc trong cái bát ngát của một đồng bằng rộng lớn tưởng như không một quốc gia nào trên thế giới có được. Con số thống kê cho biết, chỉ riêng đồng bằng sông Ấn - Hằng đã có diện tích khoảng 775.000km2, nơi đây được coi là vựa lúa và các loại cây lương thực, hoa màu như khoai tây, đậu, củ cải đỏ và cải cho hạt làm mù tạt và dầu... Nhờ nó mà cuộc sống của những người Ấn chăm chỉ và năng động đều sung túc.

Tuy nhiên, dọc đường đi, chúng tôi cũng gặp không ít cảnh bần hàn. Song, dù bần hàn đến mấy thì người Ấn cũng có bữa sáng với trà sữa. Đó là nhờ cuộc cách mạng trắng, đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong chăn nuôi mà sản phẩm là sữa và trứng. Lần đầu tôi mới biết hình dáng con trâu Mu-ra, nó được lai tạo để thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và cho năng suất sữa và lượng đạm cao.

Khí hậu Ấn Độ vô cùng khắc nghiệt. Trong cùng một ngày, nếu ở Calcuta hạ lưu sông Hằng, trời rất nóng và ẩm thì ở thượng lưu trời rất lạnh vào sáng sớm và đêm. Sương sớm và những cơn mưa là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nông nghiệp. Mùa mưa ở đây cũng là mùa gieo hạt và trồng cấy, thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào đầu tháng 9. Khi mùa mưa xê dịch, đến sớm hay muộn, lượng mưa ít thì sản xuất nông nghiệp ở Ấn bị ảnh hưởng nặng nề.

Phụ nữ nông thôn Ấn...

Chúng tôi có đến thăm một số trường đại học ở Calcuta, ở đó có không ít các nữ giáo sư và nữ sinh viên thông thạo mấy ngôn ngữ Ấn (tiếng Hin-đi, tiếng Bel-gan-li ) và tiếng Anh. Có vẻ như ở thành phố việc phân biệt giới tính không xảy ra. Cũng như trong phim ảnh hay ở New Delhi, chúng tôi đã nhìn thấy những người phụ nữ Ấn xinh đẹp, duyên dáng và sang trọng trong những bộ thời trang Âu Tây và đồ trang sức thì ở nông thôn phụ nữ Ấn chỉ toàn mặc váy và lộ vẻ lam lũ.

img
Phụ nữ Ấn Độ khi cày ruộng cũng váy thướt tha.

Làm việc ngoài đồng ruộng hay trên công trường xây dựng hay ở nhà tất thảy đều mặc váy. Sự thướt tha của lụa và kiểu dáng có vẻ như không vướng bận đến năng suất lao động. Lụa được sản xuất từ tơ tằm tự nhiên hay một loại sợi nổi tiếng cat-sơ-mia hay sợi nhân tạo là mặt hàng thiết yếu chiếm một tỷ trọng lớn trong tiêu dùng và xuất khẩu ở Ấn Độ. Tuy nhiên, vị thế người phụ nữ Ấn trong xã hội lại không được như tấm lụa họ khoác trên người.

Chuyến đi còn đưa chúng tôi đến những công trình kiến trúc kỳ vĩ của Ấn Độ và Nepal, nhưng ấn tượng lớn hơn cả là những sắc màu muôn vẻ trên những cánh đồng rộng lớn của đồng bằng sông Hằng.