Sóng lúa dập dìu, màu xanh cốm của lúa chiêm dờn cùng cánh én gây cho tôi xúc cảm vô bờ. Tôi viết về cánh đồng với tiêu đề Miền chim én lượn. Tôi viết về cánh én, về sắc xanh của lúa, hơi mát của gió, tiếng lao xao khi gốc lúa đẻ nhánh, để ý đến cả cái ức trắng phau của chú én lúc chao nghiêng ánh lên như giấy thiếc…
Bài văn được điểm cao. Nhưng tôi rất buồn khi cô giáo bất chợt đưa ra câu nghi vấn, hay là ai viết hộ em? Ai viết hộ được khi trong nhà lúc ấy tôi có trình độ văn hóa cao nhất. Anh giai tôi chỉ xong lớp 3 và bỏ học từ lâu, bố thì i-tờ, còn mẹ không biết chữ. Tôi không cãi nhưng buồn về chuyện đó đến hôm nay.
Nối liền với cánh đồng là khu đất trũng có tên Đầm Sen. Đầm Sen rộng hàng chục héc ta, là vương quốc của ếch nhái, cua cáy, tôm tép và các loài thủy tộc. Trên bờ thì cò vạc xăm xe lượn lờ. Chúng luôn no nê mãn nguyện. Mặt nước, cỏ tróc cỏ bợ và lau lách lòa xòa, dưới nước rong tảo dập dềnh. Những con cá mại, cá cờ cá rô lật mình khoan thai, len lách. Một cuộc sống thanh bình dâng lên vị ngọt ngào.
Khu đầm này xa xưa chắc có sen, rồi không có người chăm sóc nên sen đã lụi chỉ còn cái tên. Mùa đông khô hạn, một phần bề mặt đầm đất se rắn, nhưng bên dưới sâu vẫn là bùn óc chó. Đi trên thấy mặt đất rung rinh như mặt phao bơi. Con trâu nào ham ăn cố ngoi ra liếm la vài ngọn cỏ là có cơ bị kéo tụt xuống ngay.
Năm 1961, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, ruộng đồng quy hoạch lại, làm bờ vùng bờ thửa, một trục mương chính sâu như con hào chạy xiên qua khu đầm, hướng dòng chảy thoát ra phía sông Công. Thế là một kết quả bất ngờ đã xảy ra: Nước dưới sình lầy thấm dần qua lòng đất đổ dần vào mương chính. Từ năm ấy, mặt đầm Sen thu hẹp dần. Từ mép bờ, đất rắn lại. Đất khô đến đâu thì cây mạ mọc theo. Thật diệu kỳ, sau ba vụ lúa đầm Sen biến thành ruộng thuộc, lúa tốt bời bời. Chục héc ta đầm thành chục héc ta thượng đẳng điền.
Đồng Bản Ngoại hôm nay không còn bờ to như đường bừa, không còn những bụi mua hoa tím ngát tình yêu. Bờ giờ mỏng manh thành các vách ngăn thửa, hai người không thể tránh nhau trên mặt bờ. Sau nhiều năm với phương châm đất gì thì cũng phải cho ra của cải, người dân vạc bờ lấy đất cắm thêm cây mạ, diện tích đất trồng được sử dụng lên đến giới hạn cuối cùng.
Năm ngoái, sau tết tôi về quê, đứng nhìn bao quát cảm thấy như cánh đồng đang dần bé đi. Ruộng giờ đa canh, chỗ này vườn bí chỗ kia trồng dưa trồng cải và ngô lai từng vạt tít tắp. Không còn nguyên một màu lúa xanh mượt như xưa nên không ngút mắt. Tôi ngóng một cánh én trong bài tập làm văn ngày trước để tìm lại cảm giác mát rượi mùa xuân khi gió nồm nam thổi về.
Nhưng én cũng thôi bay từ nhiều năm nay. Những căn nhà lợp lá gồi mái rạ không còn, én không còn chỗ trú chân làm tổ. Những ngôi nhà bây giờ mái bằng, đúc xi măng, một thứ đồ hộp khô khốc quen với người nhưng xa lạ với chim chóc. Bản Ngoại quê tôi không còn thơ mộng như xưa…
Anh bạn tôi mấy chục năm trước qua đây vẫn nhớ in trong đầu cảnh trí miền quê êm đềm, hôm nay theo chân tôi, anh thất vọng không buồn mở nắp máy ảnh. Đúng là cuộc sống có thể khá hơn chút đỉnh về vật chất nhưng không gian xóm làng đã bị xé toang. Bỗng dưng tôi thành người hoài cổ.