Dân Việt

Huyền thoại golf gắn thương hiệu “Cá mập trắng" lên cà phê Việt

Nguyễn Vy 21/03/2019 08:13 GMT+7
Ngày càng nhiều đại gia trong lĩnh vực chế biến và thương mại tham gia thị trường xuất khẩu cà phê. Đây được coi là tín hiệu tốt để khắc phục điểm yếu cố hữu của cà phê Việt Nam vốn chỉ xuất thô, mang giá trị thấp.

Thông qua thỏa thuận hợp tác mới đây, huyền thoại golf thế giới Greg Norman cho biết thương hiệu “Cá mập trắng” của ông sẽ gắn lên dòng cà phê đặc sản đến từ Buôn Ma Thuột.

Đầu tư vùng cà phê đặc sản

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (CBPTTTNS), các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính trong nước như điều, tiêu, cao su... gần đây đều tăng sản lượng so với năm trước, nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Cà phê là mặt hàng điển hình hiện nay. Nguyên nhân là do giá bán nguyên liệu thô sản phẩm này trên thị trường thế giới giảm, trong khi đa phần cà phê hiện vẫn xuất thô.

img

Đa phần cà phê hiện vẫn xuất thô, mang lại giá thị thấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục CBPTTTNS, nông sản Việt không thể mãi loay hoay chờ giải cứu hay được mùa mất giá. Để thoát ra, cần phải giải quyết bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường.

Theo đó, kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản sẽ theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường. Thủ phủ cà phê Đắk Lắk cũng được định hướng phát triển các vùng trồng cà phê đặc sản (CPĐS), tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào chế biến sâu.

Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột, thực tế đã có nhiều vùng sản xuất cà phê ở Việt Nam như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Sơn La có bộ giống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển CPĐS.

Hiện cả nước có 50 đơn vị, nông hộ, trang trại nhà sản xuất, trồng, chế biến CPĐS, sản lượng 200 tấn mỗi năm. Một số nhà sản xuất đã tiên phong đầu tư phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng, dạy nghề, cung ứng cung cấp thiết bị đánh giá chất lượng cà phê.

img

Đã có nhiều vùng trồng cà phê đặc sản trên cả nước.

Ngay tại Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), nông trường cà phê Cada là một trong những đơn vị nỗ lực tạo nên hương vị đặc trưng cho hạt cà phê Tây Nguyên. Nhờ lợi thế đất đỏ bazan, cùng độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, cây cà phê ở đây có thể sinh trưởng tốt và tạo nên hạt cà phê chất lượng, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác.

Quảng bá thương hiệu

Trong một lần ghé thăm nông trường Cada, ông Greg Norman – tân Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2021 kể đã thử và cảm thấy vị cà phê ở đây rất đậm, hương vị ngon hơn so với cà phê ở các nước phương Tây mà ông đã uống.

“Được biết, Đăk Lăk có chỉ dẫn địa lý cho cà phê. Nhưng đáng tiếc là cà phê Việt Nam nói chung và Đăk Lăk nói riêng khi ra nước ngoài thường phải mang thương hiệu khác chứ không phải của chính mình”, ông Greg Norman nói.

img

Ông Greg Norman - tân Đại sứ du lịch Việt Nam.

Đồng tình, Đại diện Công ty SIMEXCO Daklak - đơn vị đã có 5 năm tiếp cận việc sản xuất CPĐS cho biết, hiện nay CPĐS Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng và thương hiệu loại cà phê này chưa được nhiều nhà máy rang xay biết đến. Thậm chí, họ không hề nghĩ Việt Nam có CPĐS.

Đại diện SIMEXCO Daklak đề nghị nhà nước cần có chính sách để phát triển CPĐS. Đồng thời, đưa CPĐS của Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế để khẳng định chất lượng nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển mạnh loại cà phê này.

Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT công ty CP dinh dưỡng Notifood thừa nhận Việt Nam là nước có sản lượng cà phê lớn nhưng chỉ  toàn xuất thô và chưa khẳng định được mình muôn trùng sản phẩm cà phê quốc tế. Trước khi bước chân vào thị trường cà phê năm 2018, đơn vị này đã nghĩ đến việc đầu tư công nghệ và quảng bá thương hiệu để nâng tầm cà phê Việt.

img

Đăk Lăk đã có chỉ dẫn địa lý cho cà phê.

Giữa năm 2017, nông trường cafe Phước An trên vùng đất Cada tiến hành cổ phần hóa. NutiFood trở thành cổ đông chiến lược đã đổi tên đồn điền này thành NutiCada. Thỏa thuận hợp tác mới đây giữa Nuti với tên tuổi của Greg Norman là động thái cụ thể để hiện thực ước muốn này.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, một số vùng, người nông dân sản xuất cà phê hữu cơ, loại cà phê phục vụ cho CPĐS và đã thu lợi hơn sản xuất cà phê truyền thống. Để phát triển ngành hàng CPĐS, trước mắt các doanh nghiệp, người nông dân trồng cà phê phải vào cuộc, thay đổi tư duy sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cà phê.

“Địa phương sẽ tạo điều kiện để thu hút cũng như tăng cường mời gọi, quảng bá các sản phẩm cà phê; để thị trường thế giới biết rằng Việt Nam không chỉ nhiều cà phê, có phê ngon mà còn có CPĐS”, ông Dương chia sẻ.

img

Dòng cà phê đặc sản đến từ Buôn Mê Thuộc sẽ được gắn thương hiệu quốc tế

Ngày 20.3 tại TP.HCM, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cùng huyền thoại golf thế giới Greg Norman – người đang sở hữu nhiều thương hiệu toàn cầu gắn với hình ảnh logo “Cá mập trắng” đã ký kết thỏa thuận hợp tác (mou) phát triển cà phê.

Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ thành lập một liên doanh mang tên Greg Norman Nutifood tại Mỹ và đặt trụ sở văn phòng tại tiểu bang New York. Nutifood sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình nghiên cứu, sản xuất phân phối các sản phẩm cà phê. Greg Norman sẽ cấp bản quyền và giấy phép để liên doanh sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo mang tên mình trên các sản phẩm cà phê do Nutifood sản xuất.

Liên doanh này sẽ mở chuỗi cà phê tại thị trường Việt Nam và các quốc gia châu Á, sau đó mở rộng sang Mỹ, nhằm thu hút khách du lịch quốc tế thưởng thức một nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam.