Việc lấn chiếm lề đường làm nơi buôn bán, mưu sinh là một thực trạng đau đầu ở Jakarta. Các “biện pháp mạnh” với những dân nghèo ở Jakarta là điều tối kị trong cách hành xử của chính quyền, nhất là các quyết sách đó lại liên quan đến chuyện “miếng cơm manh áo”. Biểu tình, thậm chí là bạo loạn sẽ xảy ra ngay lập tức.
Những vườn cây cảnh trên đường phố Jakarta. |
Nói thế để biết, những lệnh cấm bán hàng rong, cấm lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán không thể áp dụng nổi tại đây. Chính vì thế, để “bảo vệ mỹ quan” đô thị, hay cụ thể hơn là bảo vệ các vỉa hè khỏi sự lấn chiếm “không thể tránh khỏi”, chính quyền Jakarta đã chủ động để cho nông dân tràn lên chiếm cứ các vỉa hè thủ đô để... trồng cây cảnh.
“Mỗi tháng, chúng tôi chỉ phải đóng tiền nước tưới cây mất 200 nghìn rupiah”, ông Kham si vừa tỉa cành tường vi chìa ra đường vừa nói. Ông Kham si là một nông dân lấy vỉa hè Jakarta làm nơi canh tác, khi tôi dừng lại hỏi mua một chậu nhỏ tường vi với ý định mang về khách sạn thì ông chủ cho biết: “Nếu muốn mua thì phải đợi buổi tối”.
Câu chuyện được mở ra vồn vã, những người làm vườn ở Jakarta phải đăng ký với chính quyền về các khoảnh vườn cũng như những loại cây cảnh mình sẽ canh tác. Để đảm bảo mỹ quan và tính hợp lý, trên mỗi tuyến phố sẽ chỉ được trồng những loại cây cảnh nhất định.
Làm thuê như ông Putra cũng có thu nhập 2 triệu Rp/tháng. |
Những vỉa hè rộng lớn dành cho các loại cây thế, to lớn, những vỉa hè nhỏ hơn thì được trồng cây nhỏ và hoa. Nhưng dù vỉa hè có lớn hay nhỏ thì vẫn phải dành một lối đi thông suốt rộng rãi trên vỉa hè (theo quy định) cho người đi bộ, trời nắng chang chang mà dạo bước trên những con đường mát mẻ rợp hương hoa của Jakarta, du khách cũng thấy hợp lý với một quyết sách “vì dân” như thế này.
Mọi hoạt động vận chuyển cây vào chợ cây cảnh để bán đều diễn ra từ 23 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau, chính vì vậy, ông Kham si mới bảo tôi, muốn mua hoa phải chờ đến đêm thì ông mới “linh động” bán lẻ cho tôi một chậu. Nếu không có khoảng thời gian từ 23 giờ đến 4 giờ sáng đó thì ai cũng nghĩ rằng, ven các con đường của Jakarta là những công viên đầy cây cảnh và hoa được các người dân Jakarta chia nhau trông giữ.
Ông Putra ở “mảnh vườn” ngay cạnh đó thì đến những cánh đồng này làm việc như công chức. Việc của ông là hàng ngày ra ngồi trông cây rồi theo thời gian (8 giờ, 14 giờ, 20 giờ) cầm bình tưới cây một lần, nước thì đã được chính quyền lắp đặt đường ống đến tận nơi. Mọi việc tạo dáng, bón phân kích thích và cắt tỉa cây đã có “ông chủ” lo. Và dù việc nhàn nhã như vậy nhưng ông Putra cũng được “ông chủ” trả lương 2 triệu rupiah/tháng (5 triệu VND).
Ông Putra cũng cho biết: “Nếu biết nghề và làm “ông chủ” như ông Kham si thì mỗi tháng tôi sẽ có thu nhập gấp ba hiện tại”.
Tuấn Lệ