Tiểu hành tinh Ryugu có đường kính 900 mét.
Theo CNN, các nhà khoa học Nhật Bản nói họ đã phân tích hàng loạt bức ảnh và các dữ liệu mà tàu thăm dò Hayabusa 2 gửi về từ thiên thạch Ryugu và phát hiện dấu hiệu bất ngờ.
“Thiên thạch không chứa nhiều nước như chúng tôi dự đoán. Ryugu khô ráo hơn nhiều”, nhà khoa học Seiji Sugita đến từ Đại học Tokyo nói về báo cáo ban đầu.
“Thiên thạch này chỉ mới tồn tại được khoảng 100 triệu năm. Điều này cho thấy các thiên thể lớn hơn mà Ryugu tách ra từ đó cũng rất khan hiếm nước”, Sugita nói.
Phát hiện này được cho là đáng kể vì toàn bộ nước trên Trái đất được tin là đến từ các thiên thạch bay lơ lửng trong vũ trụ.
“Phát hiện này giúp chúng tôi đánh giá thành phần hóa học của Hệ Mặt trời thuở sơ khai, cũng như có tác động đến việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh”, Sugita nói thêm.
“Có rất nhiều Hệ Mặt trời khác ở ngoài kia và để tìm được sự sống, chúng ta phải có hướng đi đúng. Phát hiện trên giúp chúng tôi khoanh vùng những Hệ Mặt trời nào có tiềm năng nhất”.
Quá trình phân tích cho thấy Ryugu không chứa nhiều nước như các nhà khoa học nghĩ.
Một số nhà khoa học bày tỏ sự thất vọng nhưng việc thiên thạch Ryugu khá khô ráo cũng dẫn đến nhiều câu hỏi khác.
“Chúng ta nghĩ đó là con voi lớn nhất, nhưng thực tế lại tìm thấy thứ nhỏ nhất”, nhà khoa học Matthew Genge nói. “Không đúng như dự đoán nhưng cũng rất có giá trị. Vì sao con voi lại trở nên nhỏ như vậy?”
“Hiểu rõ vì sao thiên thạch này trở nên khô cạn cũng là vấn đề quan trọng, để làm rõ hơn cách Trái đất khởi nguồn nên sự sống”.
Tàu thăm dò Hayabusa 2 sẽ còn tiếp tục gửi hình ảnh và thông số trên thiên thạch về Trái đất. Nó sẽ quay trở lại Trái đất vào cuối năm 2020 với các mẫu vật.
“Khi chúng ta mang mẫu vật về Trái đất, chúng ta sẽ biết câu trả lời. Tin tốt là tàu vũ trụ đã thu thập được một số mẫu vật đầu tiên”, Sugita nói.
Thiên thạch từng xóa sổ một nền văn minh trên Trái đất cách đây 3.700 năm, nung chảy mọi thứ ở nhiệt độ 4.000 độ...