Dân Việt

“Đổi vận” nhờ công nghệ, nhà nông trở thành những triệu phú, tỷ phú

Chiến Thành 22/03/2019 06:15 GMT+7
Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, nhiều nông dân nuôi tôm ở vùng biển Tiền Hải (Thái Bình) đã “điều khiển” được dòng nước, làm chủ được môi trường trở thành những triệu phú, tỷ phú, góp phần làm giàu cho quê biển.

Triệu phú đất Nam Cường

Xã Nam Cường là miền quê trước biển của huyện Tiền Hải, sự thay đổi dòng chảy cộng với bàn tay kiến tạo của con người trong công cuộc quai đê lấn biển đã tạo nên vùng đất trù phú này. Nhiều năm nay, người Nam Cường dựa vào biển, vào những bãi bồi để sinh cơ lập nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Nhàn cũng có nhiều năm mưu sinh với biển, cuộc sống quá khó khăn, anh rời quê đi làm thuê ở nhiều nơi, nhưng đi mãi vẫn thấy cái nghèo đeo bám. Lúc này, nhìn lại đồng đất Nam Cường, anh nghĩ, phải về quê lao động, sản xuất để vượt khó làm giàu từ chính nơi đây.

img

img

img

   Anh Nguyễn Văn Nhàn kiểm tra sự sinh trưởng của tôm. Ảnh: C.T

"Ngoài mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Hải, anh Phú còn có nhiều nông dân trong huyện đã và đang xây dựng theo mô hình này như ở Nam Cường, Đông Minh... Để mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển bền vững, Tiền Hải sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, doanh nghiệp về hạ tầng, kỹ thuật thâm canh, vay vốn...”.

Ông Phạm Văn Vang - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải

Gia đình có diện tích đất trên vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy hải sản của xã Nam Cường nên anh Nhàn mạnh dạn đào ao nuôi tôm, thả cá. Ban đầu, do nuôi theo cách truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên qua nhiều vụ canh tác, lợi nhuận anh thu về chẳng đáng là bao bởi việc nuôi trồng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết.

Sau khi đi học hỏi ở nhiều nơi, anh mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình nuôi tôm trong nhà bạt. Trên diện tích khoảng 8 sào, anh đào thành 2 ao nuôi tôm, bờ và đáy ao lót bạt. Để tiết giảm chi phí, anh Nhàn mua nguyên vật liệu về tự xây dựng lắp đặt, với chi phí khoảng 150 triệu đồng cho 8 sào ao nuôi tôm, rẻ gấp nhiều lần so với thuê thợ và máy về lắp đặt.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của những người đi trước do chọn con giống không chuẩn, để chắc chắn, anh Nhàn vào tận Ninh Thuận lựa chọn tôm giống mang về nuôi. Tuy nhiên, lúc này lại phát sinh một vấn đề, đó là cho tôm ăn theo hình thức trực tiếp, thủ công khá vất vả, lượng thức ăn dư thừa nhiều, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. “Vậy là tôi mày mò nghiên cứu chế tạo thành công máy cho tôm ăn, vừa giảm bớt nhân công, thức ăn lại phân bố đều khắp ao, không bị dư thừa, tôm ăn liên tục, lớn nhanh, đều đẹp, không bị nhiễm bệnh” - anh Nhàn hồ hởi khoe.

Không những thế, nuôi tôm trong nhà bạt còn giúp anh Nhàn chủ động được vụ nuôi thả. Một năm anh nuôi 3 vụ, trung bình khoảng 70 ngày/vụ, riêng vụ đông dài hơn, khoảng 80 ngày là có một lứa tôm thương phẩm.

Mạnh dạn áp dụng công nghệ, những mùa tôm thắng lớn liên tiếp đến với gia đình anh. Riêng năm 2018, anh Nhàn thắng lợi cả 3 vụ tôm liên tiếp, trong đó vụ đông sản lượng tôm đạt trên 4 tấn/8 sào, trừ chi phí anh thu lãi trên 400 triệu đồng.

Công nghệ thay đổi số phận

Đến thăm vùng nuôi trồng thủy sản của anh Giang Văn Phú, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh mới thấy yêu cầu về quy mô, quá trình nuôi tôm công nghệ cao khá nghiêm ngặt. Diện tích nuôi tôm của anh Phú rộng khoảng 1ha, được xây dựng thành 5 ao, trong đó có 4 ao nuôi và 1 ao để xử lý nước. Hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới, ao có lót bạt, có hố xi-phông... tuân thủ quy trình nuôi, tỷ lệ tôm chết rất thấp. Nuôi theo công nghệ cao đã mang lại cho gia đình anh Phú trên 500 triệu đồng/vụ.

“Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được xây dựng đầu năm 2017, sử dụng nhà lưới, lót bạt chuyên dụng đáy ao, máy vận hành xử lý nước... bảo đảm đúng quy trình cho từng giai đoạn nuôi tôm, với chi phí đầu tư lên đến 1,5 tỷ đồng/ha” - anh Phú chia sẻ.

Ngoài mô hình của anh Nguyễn Văn Nhàn, Giang Văn Phú, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Văn Hải, xã Nam Thịnh được xếp vào hàng “khủng” với quy mô 108ha, vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 tỷ đồng. Đây cũng là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được xây dựng đầu tiên trên địa bàn huyện Tiền Hải với quy mô khép kín, quy trình vận hành khá nghiêm ngặt, được quản lý theo chương trình “3 sạch”: tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch.

Anh Phú chia sẻ, nuôi công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường nên tôm thu hoạch gần như là tôm sạch. Việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha. Với mô hình trên, anh Hải chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại anh xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý nước...

Nếu như với cách nuôi truyền thống trong ao đất, thường thả 70 con giống/m2 thì với tôm công nghệ cao thả đến 300 con/m2. Đặc biệt vùng nuôi tôm đều xây dựng ao ương để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu rồi mới thả xuống ao. Diện tích ao nuôi đều có hệ thống bạt ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, ổn định nhiệt độ ao nuôi vào mùa đông. Điều này giúp tôm tránh các mầm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, khắc phục được hiện tượng tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống. “Để nuôi tôm bằng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao cần phải chọn con giống sạch, chất lượng; tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại; đặc biệt ao được thiết kế để các chất thải, chất bẩn có hại tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi phải vệ sinh hàng ngày...” - anh Hải đúc kết.

 Ông Phạm Văn Vang - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải cho biết: “Ngoài mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Hải, anh Phú còn có nhiều nông dân trong huyện đã và đang xây dựng theo mô hình này như ở Nam Cường, Đông Minh... Để mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển bền vững, Tiền Hải sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, doanh nghiệp về hạ tầng, kỹ thuật thâm canh, vay vốn... Thực hiện tốt chủ trương tích tụ ruộng đất tạo điều kiện thu hút các cá nhân, doanh nghiệp có vốn, có tiềm lực vào đầu tư”.