Dân Việt

Tướng Trần Văn Đôn có phải nhân tình của bà Trần Lệ Xuân?

Lê Tiên Long 21/03/2019 16:32 GMT+7
Trung tướng Trần Văn Đôn nguyên là Tổng tham mưu trưởng, Tổng trưởng Quốc phòng, rồi Phó thủ tướng chính quyền Việt Nam cộng hòa. Ông ta được đồn đại là nhân vật hết sức đào hoa.

Một trong những người được đồn là nhân tình của ông Đôn chính là "Đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu, em ruột và cũng là cố vấn của tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.

Ông Trần Văn Đôn đã thừa nhận ông có rất nhiều nhân tình, nhưng chưa khi nào ông khẳng định ông "cặp kè" với bà Lệ Xuân.

img

"Đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân.

Việc thừa nhận số nhân tình của tướng Trần Văn Đôn được ông kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký mang tên Việt Nam nhân chứng, được ông xuất bản khi sống lưu vong bên Mỹ.

Theo lời kể của ông Đôn, sự việc diễn ra khi ông cùng các tướng Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Nguyễn Văn Vỹ đang bị giữ tại Đà Lạt, sau khi tướng Nguyễn Khánh làm cuộc "chỉnh lý", giành quyền từ các tướng đã đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, vào ngày 30.1.1964. Các viên tướng này bị tướng Khánh cáo buộc âm mưu "trung lập hóa miền Nam Việt Nam", hoặc sâu xa hơn, là tội "thân Pháp", vì họ đều được quân đội Pháp đào tạo, trong khi chính tướng Khánh cũng có xuất thân như vậy!

Đến đêm 28.5.1964, sau 4 tháng giam giữ, Hội đồng tướng lĩnh đem các ông tướng bị giam ra xét xử. Hội đồng gồm các tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, cùng 12 tướng và 3 đại tá khác. Viên tướng bị xét hỏi được đưa vào ngồi giữa, các tướng trong hội đồng ngồi xung quanh theo hình chữ U.

Trong cuộc xét hỏi này, Tướng Nguyễn Khánh đã đưa ra một danh sách ghi tên họ một số các bà, các cô, và hỏi:

- Có phải đây là tên họ các nhân tình của anh? Chúng tôi nhận thấy anh thiếu tác phong. Chúng tôi nghỉ 15 phút để anh xem kỹ rồi trả lời.

Trở lại phiên họp, ông Đôn trả lời:

- Một số tên đúng, một số tên không đúng, và một số tên chưa hề quen biết.

Nghe vậy, các viên tướng cười ồ lên. Thiếu tướng Đỗ Cao Trí lên tiếng với giọng bực tức:

- Tôi nghe nói chuyện đời tư của Trung tướng Đôn mà tôi xấu hổ quá. Nếu ngày nào tôi ngồi vào ghế của Trung tướng Đôn thì (số nhân tình) không phải một tờ giấy như vậy mà là chở một xe GMC!

Trần Văn Đôn không hề xác nhận bà Lệ Xuân là nhân tình của ông, tuy nhiên, sau cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, giết chết anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, từ Mỹ, bà Lệ Xuân đã gọi điện về Bộ tổng tham mưu, và giữa các tướng lĩnh tổ chức cuộc đảo chính, bà yêu cầu gặp đích danh ông Đôn để hỏi các thông tin: Chính xác số phận chồng bà và ông Diệm, số phận các con bà, cũng như em ông Diệm là ông Ngô Đình Cẩn. Bà Lệ Xuân cũng yêu cầu ông Đôn cho về nước để thu dọn tài sản ở Dinh Gia Long, nhưng ông Đôn trả lời, tất cả tài sản trong dinh đã bị dân chúng lấy hết sau cuộc đảo chính.

Trong cuộc xét xử kể trên, Nguyễn Chánh Thi, lúc đó là Chuẩn tướng, hỏi ông Đôn:

- Tại sao sau đảo chính, Trung tướng lại trả các con của bà Nhu lại cho bà ta mà không giữ làm con tin để đòi trao đổi tiền bạc?

Ông Đôn trả lời do đại sứ Mỹ Cabot Lodge yêu cầu và việc này đã trình bày cho Hội đồng quân nhân cách mạng.

Cuối cùng, mãi đến chiều hôm sau, các tướng lĩnh đã kết luận "5 viên tướng Đà Lạt" vi phạm các lỗi: Thiếu lãnh đạo chỉ huy; thiếu tác phong; chưa dứt khoát tư tưởng. Ông Đôn bị yêu cầu không được chỉ huy quân đội trong một năm.

Ông Trần Văn Đôn sau này lại phục vụ trở lại trong quân đội và chính quyền Sài Gòn cho đến ngày 29.4.1975, khi quân đội giải phóng tiến vào đến sát Sài Gòn thì chạy ra chiến hạm Hancock của Mỹ ngoài biển Đông, rồi di tản sang Mỹ. Ông ta qua đời tại Mỹ năm 1998.

Còn bà Trần Lệ Xuân, từ cuộc đảo chỉnh năm 1963, đã sống lưu vong tại Pháp và Italia đến cuối đời. Bà qua đời tháng 4.2011 tại Roma, Italia.