Dân Việt

Vụ cán bộ Thanh tra Chính phủ nhận 400 triệu có dấu hiệu hình sự?

Đình Việt 22/03/2019 16:40 GMT+7
Luật sư đã có những phân tích pháp lý quanh vụ việc một cán bộ Thanh tra Chính phủ bị tố nhận 400 triệu đồng của mẹ liệt sỹ mà Báo điện tử Dân Việt phản ánh thời gian gần đây.

Báo điện tử Dân Việt đã liên tục đăng tải nhiều bài viết phản ánh việc ông Hoàng Đức Cần - cán bộ Thanh tra Chính phủ (TTCP) bị tố nhận 400 triệu đồng của gia đình mẹ liệt sỹ Lê Thị Tích (SN 1928, trú tại xã Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) để xử lý một vụ việc liên quan đến đất đai.

img

Thanh tra Chính phủ, nơi ông Hoàng Đức Cần làm việc.

Sau khi báo đăng tải loạt bài, ông Cần đã trả lại số tiền 400 triệu đồng đã nhận của gia đình mẹ Tích, TTCP cũng ngay lập tức vào cuộc kiểm tra.

Ngày 19.3, sau quá trình xác minh, TTCP phát đi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hoàng Đức Cần vì có những vi phạm, đồng thời thông tin vụ việc đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

TTCP cũng cho biết, đơn vị đang đề nghị các cơ quan chức năng và phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để kiểm tra, rà soát lại vụ việc tranh chấp đất đai của gia đình mẹ liệt sỹ Lê Thị Tích.

“Chúng tôi đang phối hợp với địa phương để làm rõ, nếu đúng quyền lợi của bà Tích bị xâm phạm phải phục hồi lại quyền lợi cho bà ấy. Nếu cán bộ liên quan đến vụ việc này sai cũng sẽ bị xử lý”, đại diện TTCP nói.

Ngày 20.3, trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Xuân An (cháu ngoại bà Tích) cho biết, TPCP đã liên lạc với gia đình đề nghị gửi các giấy tờ liên quan đến vụ việc để kiểm tra, rà soát lại. Ngày 21.3, gia đình sẽ gửi toàn bộ hồ sơ ra Hà Nội.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành thanh tra, cũng như của Thanh tra Chính phủ. Để sự việc được sáng tỏ hơn, gia đình mẹ liệt sỹ nên có đơn kèm các bằng chứng liên quan đến cơ quan công an.

img

Một giấy nộp tiền 50 triệu đồng mà anh An cung cấp cho PV có ghi người nhận tên là Hoang Duc Can.

“Theo dõi vụ việc trên Báo điện tử Dân Việt và các cơ quan báo chí khác, thấy cán bộ này đã bị mất việc nhưng vẫn phải làm rõ việc nhận tiền”, vị luật sư nói.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, trước hết cần phải làm rõ có hay không việc vay – mượn trong vụ việc này hay đây chỉ là một hình thức che giấu việc ông Cần lợi dụng việc mình đang làm việc tại Thanh tra Chính phủ để đưa ra những thông tin gian dối nhằm mục đích có được sự tin tưởng của gia đình mẹ liệt sỹ để bị hại giao tiền cho mình.

“Việc vay – mượn diễn ra từ khi nào? Tại sao ông Cần lại quen gia đình nhà bà Tích để gia đình bà tin tưởng cho ông vay số tiền lớn như vậy? Bởi chỉ khi gia đình bà Tích gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, chỉ khi báo chí vào cuộc đăng tin ông Cần mới trả lại tiền cho gia đình”, vị luật sư nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định việc vay mượn chỉ là giả tạo để che dấu cho việc ông Cần nhận tiền và hứa giải quyết công việc cho gia đình bà Tích thì hành vi này của ông Cần có dấu hiệu vi phạm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015.

“Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu cơ bản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”, luật sư Hòe phân tích.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Hòe, trong vụ việc này, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo Điều 155 BLTTHS năm 2015.

Như vậy, nếu cơ quan điều tra vào cuộc tiến hành điều tra xác minh làm rõ hành vi của ông Cần nếu thỏa mãn tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Cần hoàn toàn có thể bị khởi tố mà không cần phải có đơn tố cáo của gia đình bị hại.