Dứa chín rộ, nông dân thu hoạch sớm
Những ngày cuối tháng 3.2019, do nhiều diện tích dứa chín sớm nên các hộ gia đình trồng dứa ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phải thu hoạch vội bán cho thương lái. Tuy nhiên, giá dứa hiện tại rớt thê thảm, khiến nhiều hộ gia đình vừa thu hoạch vừa phải đưa xuống chợ hoặc chở ra Quốc lộ 36 (đoạn đường từ thị xã Thái Hòa xuống cảng Đông Hồi thị xã Hoàng Mai) bán lẻ từng quả cho khách qua đường.
Do giá dứa quá thấp, người dân vừa thu hoạch vừa bán cho khách qua đường. Ảnh: CT
Trao đổi với Dân Việt, anh Lê Văn Phú trú tại thôn 2/9, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay: “Năm nay, dứa chín sớm hơn mọi năm nên khi chúng tôi quyết định thu hoạch thì cũng là lúc giá dứa xuống rất thấp, dự tính năm nay, nếu giá cứ như thời điểm này thì gia đình tôi sẽ gánh nợ dài cổ. Mới thu hoạch 1 ha dứa chín sớm mà chỉ thu về được 40 triệu đồng, lấy đâu ra lãi để tái vụ”.
“Gia đình tôi trồng tổng cộng 2ha dứa, năm nay dứa chín sớm, giá chỉ còn 3.000 đồng/kg thì không đủ chi trả tiền giống, phân bón và tiền công chăm sóc”, anh Lê Văn Phú chua chát cho hay.
Anh Lê Văn Phú đóng hộp bán cho khách qua đường trên Quốc lộ 36. Ảnh: CT
Cũng theo anh Lê Văn Phú, nếu giá 3.000 đồng/kg thì khi thu hoạch 2ha gia đình anh chỉ có thể thu về được gần 100 triệu đồng. Trong lúc đó, để đầu tư cho 1ha dứa, gia đình anh phải bỏ ra khoảng 70 riệu đồng, chưa tính công thuê hái. Mặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch, nhưng giá dứa như hiện nay thì nhiều nông dân trong xã cầm chắc thua lỗ.
Cũng cảnh ngộ với gia đình anh Lê Văn Phú, gia đình anh Nguyễn Văn Thanh trú thôn 2/9, xã Tân Thắng cũng có 4ha dứa đến kỳ thu hoạch. Nếu như những năm trước, gia đình anh thu được gần 500 triệu đồng thì năm nay ước tính doanh thu chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện giá dứa loại 1 đạt 3.000 đồng/kg, loại 2 chỉ từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.
Khách ở Hà Nội đi trên Quốc lộ 36 dừng lại mua dứa về cho bạn bè người thân thưởng thức. Ảnh: CT
Anh Thanh cho biết, chi phí trồng và chăm sóc 4ha dứa trên ngốn hết của gia đình anh hơn 300 triệu đồng, nếu được mùa được giá, anh sẽ có tiền trang trải nợ nần. Tuy nhiên giá dứa xuống quá thấp như hiện tại, gia đình anh sẽ không có đủ tiền để tái trồng vụ sau.
“Gia đình mình có 4ha trồng dứa, trừ những quả bị hư hỏng đi còn khoảng 3,5ha. Năm nay, giá thu mua dứa trung bình từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, với giá này thì bán tống, bán tháo cũng không đủ để trả nợ. Để vớt vát tiền đầu tư, mỗi khi thu hoạch tôi lại chọn những quả dứa đẹp, to chở ra chợ hoặc ra Quốc lộ 36 để vợ con bán cho người đi đường. Mỗi kg dứa đẹp cũng được 5.000 đồng/kg”, anh Thanh cho hay.
Lâm cảnh khốn đốn vì giá dứa xuống thấp kỉ lục
Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay: “Trên địa bàn xã, người dân trồng dứa rất nhiều, với tổng diện tích hơn 700ha. Năm ngoái dứa được mùa, nhưng không rớt giá nên bà con phấn khởi lắm. UBND xã có khuyến cáo người dân đừng mở rộng diện tích trồng dứa nữa, tránh cung vượt cầu. Nhưng người dân đâu có nghe, mạnh ai người đó trồng. Hiện tại mới đầu vụ mà giá dứa đã giảm sâu như vậy, chúng tôi cũng rất lo. Hiện xã đang xin ý kiến chỉ đạo của huyện để tìm đầu ra bền vững cho người dân".
Dừng xe mua dứa cho các hộ nông dân bán bên Quốc lộ 36, nhiều khách đi đường tranh thủ chụp ảnh vì mua được những quả dứa chín vàng, to đẹp. Ảnh: CT
Cũng giống như ở xã Tân Thắng, người nông dân ở xã Quỳnh Vinh cũng lâm vào cảnh khốn đốn khi giá dứa xuống thấp kỷ lục.
Anh Trần Văn Nghĩa trú tại xóm 22, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Những năm trước, giá dứa loại 1 được thương lái thu mua mức 7.000 đồng/kg, năm nay xuống thê thảm, chỉ còn 3.000 đồng/kg. Gia đình tôi có trồng 4ha, dự kiến thu hoạch ít nhất được 130 tấn quả. Nếu giá như hiện nay thì gia đình tôi lỗ hàng chục triệu đồng".
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh chia sẻ: “Năm ngoái giá dứa dao động từ 7.000- 9.000 đồng/kg, người trồng dứa rất phấn khởi nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng dứa, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương. Thời gian tới, sau khi thu hoạch xong chúng tôi sẽ có chủ trương ổn định diện tích dứa, không mở rộng thêm diện tích trong các vụ tới để tránh tình trạng được mùa mất giá, nông dân thua lỗ".
Người dân chở cả xe dứa đầy ắp đi bán. Ảnh: CT
Trong khi đó, ông Đậu Đức Năm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay: “Nhiều năm qua, chúng tôi liên tục tuyên truyền bà con không nên mở rộng diện tích trồng dứa tự phát. Vì dứa cũng giống như các sản phẩm nông nghiệp khác, nếu cung vượt quá cầu thì giá rớt là điều không tránh khỏi".
Cung vượt cầu, giá dứa rớt là điều không tránh khỏi. Ảnh: CT
“Trên địa bàn và một số tỉnh lân cận có một số nhà máy đặt hàng bà con trồng dứa để làm nguyên liệu cho sản xuất nước ép hoa quả. Nhưng thời điểm này chưa vào chính vụ nên giá thấp. Hiện một số hộ dân đã đưa dứa ra chợ, xuống đường bán nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi đang liên hệ với nhà máy để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm lâu dài”, ông Năm cho biết thêm.
Huyện Quỳnh Lưu là huyện trồng dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An, trong đó xã trồng nhiều nhất là Tân Thắng hơn 700ha, Quỳnh Thắng trên 80ha, Quỳnh Vinh 60ha... Để đầu tư cho 1ha dứa, người dân phải bỏ ra từ 60 đến 80 triệu đồng và sau 18 tháng mới có thu hoạch.