Dân Việt

Lý Thái Tông “thần cơ diệu toán”, biết trước kẻ mưu phản

Lê Tiên Long 23/03/2019 20:31 GMT+7
Truyện Tam Quốc diễn nghĩa có ca ngợi Gia Cát Lượng trước khi chết đoán trước Ngụy Diên sẽ làm phản. Sử nước ta ghi nhận, vua Lý Thái Tông cũng có tài nhìn người thần diệu như vậy.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm Ất Hợi (1035), thời Lý Thái Tông, niên hiệu Thông Thụy năm thứ 2, người châu Ái (vùng Thanh Hóa ngày nay) làm phản. Mùa đông, tháng 10, vua thân đi đánh, cho Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung lưu thủ kinh sư.

Quân của vua đi từ kinh thành Thăng Long đến châu Ái, vua ngự ở hành dinh, ban yến cho các quan hầu và tướng súy, quan sát các tướng ăn yến xong mới chỉ Định thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng: "Khánh thế nào cũng làm phản!".

img

Vua Lý Thái Tông.

Các phi tần đều kinh ngạc hỏi: "Bệ hạ làm sao mà biết? Xin nói cho nghe nguyên do?". Vua nói: "Khánh trong lòng không bình thường, nhìn trẫm có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất tiết, nói làm trái thường. Lấy đó mà xem đủ biết là nó có ý khác, hình trạng làm phản rõ rồi".

Sau đó, quân của Thái Tông dẹp tan cuộc nổi loạn, trị tội châu mục châu Ái, sai sứ đi phủ dụ dân chúng trong châu. Chợt Kinh sư lưu thủ là Phụng Càn Vương cho chạy trạm báo tin bọn nhà sư họ Hồ, em nuôi của Định thắng đại tướng Nguyễn Khánh, Đô thống Đàm Toái Trạng, Hoàng đệ Thắng Càn, Thái Phúc mưu phản, quả đúng như lời vua nói.

Các phi tần nghe tin ấy đều lạy hai lạy nói với vua: "Bọn thiếp nghe nói thánh nhân thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước việc chưa xảy ra, nay được chính mắt trông thấy".

Vua Thái Tông liền xuống chiếu bắt bọn Khánh đóng cũi đem về Kinh sư. Tháng 11, ngày mồng 1, vua từ châu Ái về đến Kinh, làm tiệc rượu mừng việc trở về, khen thưởng các tướng sĩ có công dẹp châu Ái.

Vua ngự điện Thiên Khánh xét án bọn sư Hồ, Nguyễn Khánh; những kẻ chủ mưu đều phải xẻo thịt băm xương ở chợ Tây, còn những kẻ khác thì xét theo tội nặng nhẹ.

Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã, sinh năm 1000, là con trưởng của Lý Thái Tổ, được lập làm Đông cung Thái tử từ năm 1012. Năm 1028, Lý Thái Tổ qua đời, ông được quần thần tôn lên làm vua.

Khi Lý Thái Tổ vừa mất, còn chưa tế táng xong, thì các hoàng tử là Vũ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử. Sử sách gọi là Loạn Tam vương.

Lúc đó, các quan đứng đầu là Lý Nhân Nghĩa xin Thái tử Phật Mã cho đem quân ra thành quyết đánh. Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, thì quan Vũ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức vương mà bảo rằng: “Các người dòm ngó ngôi cao, khi dễ tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!”.

Nói xong Lê Phụng Hiểu chạy xông vào chém Vũ Đức vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ hãi bỏ chạy cả. Dực Thánh vương và Đông Chinh vương đều phải chạy trốn.

Dẹp xong loạn Tam vương, ngày Kỷ Hợi (tức 1 tháng 4 năm 1028), Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Thành, đến năm 1034 mới đổi niên hiệu là Thông Thụy.

Nghe tin Vũ Đức vương bị giết, Khai Quốc vương đóng ở phủ Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay) cậy có núi sông hiểm trở bèn đem phủ binh làm phản. Lý Thái Tông thân đi đánh, khi quân đến Trường Yên, Khai Quốc vương đầu hàng. Vua hạ lệnh rằng: “Ai cướp bóc của cải của dân thì chém”. Quân sĩ nghiêm theo, không mảy may xâm phạm. Đại quân vào thành Hoa Lư, dân trong thành đem dâng biếu trâu rượu đứng đầy đường.

Vua sai sứ tuyên chỉ động viên, cả thành vui to. Vua từ phủ Trường Yên về, xuống chiếu tha tội cho Khai Quốc vương, vẫn cho tước như cũ. Về sau, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương xin về chịu tội. Thái Tông nghĩ tình cốt nhục bèn tha tội cho, và lại phục chức cũ cho cả hai người.

Lúc đi đánh châu Ái, vua đã 35 tuổi, đủ tuổi trưởng thành và kinh nghiệm trị nước. Nhưng để nhìn nhận tướng người, đoán trước được sự việc như vậy, cũng không phải nhiều bậc quân vương có thể nhìn ra.

Do có tài cầm quân, sử gia đời sau đánh giá Lý Thái Tông như Hán Quang Vũ Đế bên Trung Quốc, đánh đâu được đấy, công sức giúp ổn định tình hình biên cương loạn lạc còn vượt hơn cả Đường Thái Tông.