Dân Việt

Nông dân trồng rau được học nghề không sợ thất thu

Hồng Nhung 26/03/2019 16:48 GMT+7
Tham gia thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Hội ND huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã có cách làm phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập.

Năm 2018, Hội ND huyện Thanh Thủy đã phối hợp Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp (Hội ND tỉnh) mở lớp sơ cấp nghề trồng rau an toàn cho 35 cán bộ, hội viên nông dân xã Trung Nghĩa; phối hợp mở 10 lớp sơ cấp nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phòng trừ dịch hại, nấu ăn và trồng nấm cho 350 hội viên các xã: Phượng Mao, Đồng Luận, Sơn Thủy, Đào Xá… Thông qua các lớp học nghề đã tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, qua đó tăng thu nhập.

img

Nông dân xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy áp dụng kiến thức, kỹ thuật được tập huấn vào thâm canh rau màu, tăng thu nhập.  Ảnh: H.N

Hội còn phối hợp một số công ty sản xuất phân bón mở các lớp tập huấn tư vấn sử dụng phân bón cho hội viên. Từ các lớp tập huấn đã thu hút trên 5.400 lượt hội viên tham dự, giúp cán bộ, hội viên nắm vững kỹ thuật sử dụng phân bón đúng, đủ, hợp lý. Tỷ lệ lao động sau học nghề tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề đã được đào tạo chiếm 80%. Sau khi tham gia học nghề, nhiều học viên đã quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập ổn định.

Hộ anh Nguyễn Văn Tưởng ở khu 3, xã Đoan Hạ sau khi nắm vững kiến thức về phòng bệnh cho gà từ lớp sơ cấp nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh đã tập trung đầu tư nuôi 1.000 gà thịt. Anh cho biết: “Trước kia gia đình chỉ dám nuôi quy mô nhỏ vì càng nuôi nhiều càng lỗ do chưa biết cách phòng bệnh. Tuy nhiên, sau khi học nghề, tôi đã đầu tư chuồng trại mở rộng chăn nuôi mà không sợ thất thu. Trừ chi phí mỗi năm còn lãi khoảng 80 triệu đồng”. Đó là động lực để gia đình anh tiếp tục tìm ra cách làm sáng tạo, hiệu quả trong nông nghiệp.

Một trong những giải pháp phù hợp của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thanh Thủy những năm gần đây là gắn dạy nghề với phát triển làng nghề truyền thống. Hiện, huyện có 9 làng nghề tập trung vào các lĩnh vực: Chế biến nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh. Đây là những nghề đòi hỏi ít vốn đầu tư, sử dụng lao động phổ thông do các hộ tự quản lý như sản xuất mì sợi, đậu phụ, làm tương, đan lát...

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề nông nghiệp ở Thanh Thủy, năm 2019 và các năm tiếp theo, Hội ND huyện Thanh Thủy sẽ tích cực hỗ trợ tạo điều kiện khuyến khích phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng việc dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…