Đã báo cáo Thủ tướng
Báo Điện tử Dân Việt đã liên tục đăng tải nhiều bài viết phản ánh việc ông Hoàng Đức Cần - cán bộ Thanh tra Chính phủ (TTCP) bị tố nhận 400 triệu đồng của gia đình mẹ liệt sỹ Lê Thị Tích (SN 1928, trú tại xã Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) để xử lý một vụ việc liên quan đến đất đai.
Sau khi báo đăng tải loạt bài, ông Cần đã trả lại số tiền 400 triệu đồng đã nhận của gia đình mẹ Tích, TTCP cũng ngay lập tức vào cuộc kiểm tra.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ, nơi có cán bộ bị tố nhận hàng trăm triệu của người dân. Ảnh: Minh Phong
Ngày 19.3, sau quá trình xác minh, TTCP phát đi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hoàng Đức Cần vì có những vi phạm, đồng thời thông tin vụ việc đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
TTCP cũng cho biết, đơn vị đang đề nghị các cơ quan chức năng và phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để kiểm tra, rà soát lại vụ việc tranh chấp đất đai của gia đình mẹ liệt sỹ Lê Thị Tích.
“Chúng tôi đang phối hợp với địa phương để làm rõ, nếu đúng quyền lợi của bà Tích bị xâm phạm phải phục hồi lại quyền lợi cho bà ấy. Nếu cán bộ liên quan đến vụ việc này sai cũng sẽ bị xử lý”, đại diện TTCP nói.
Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, trong suốt quá trình đi đòi quyền lợi, trước khi “gõ cửa” ông Hoàng Đức Cần gia đình mẹ liêt sỹ Lê Thị Tích đã nhiều lần có đơn cầu gửi các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Trong đó có đơn gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).
Mới đây, đại diện Bộ TN&MT xác nhận với PV Dân Việt về việc có nhận được đơn của gia đình bà Lê Thị Tích. Theo đó, năm 2006 bà Tích có đơn tố cáo một Phó Chủ tịch huyện Xuyên Mộc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác trái pháp luật. Khi nhận được đơn này, Bộ TN&MT xác định đây là vấn đề không thuộc thẩm quyền nên bộ đã có văn bản chuyển đơn về cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giải quyết theo thẩm quyền.
Đến năm 2011, bà Tích tiếp tục tố cáo lên Thủ tướng Chính phủ, sau đó Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT kiểm tra việc này. Sau khi có chỉ đạo Bộ TN&MT đã thành lập đoàn công tác để làm việc với các bên liên quan để thẩm tra, xác minh. Ngày 24.5.2012, Bộ TN&MT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng.
Cấp sổ đỏ không đúng quy định pháp luật
Trong văn bản, Bộ TN&MT có nhận xét như sau: Diện tích 5.322m2 đất tranh chấp có nguồn gốc do bà Lê Thị Tích khai phá năm 1958 và sử dụng canh tác đến năm 1963, sau đó ông Đinh Văn Còn (con bà Tích) có sử dụng vào các năm 1976 và 1977. Từ 1978 gia đình bà Tích không sử dụng phần đất này. Năm 1992, gia đình bà Tích mới có đơn tranh chấp đòi lại quyền sử dụng 5.322m2 đất nói trên.
Năm 1984, gia đình bà Ý đã đến sử dụng phần đất 5.322m2 này nhưng bà Tích không có ý kiến gì. Gia đình bà Ý và ông Định (cháu bà Ý) đã sử dụng 5.322m2 đất từ năm 1984 và đến năm 1992 thì sang nhượng cho ông Tăng Minh Hòa, được chính quyền địa phương xác nhận.
Căn cứ điều 19, Hiến pháp 1980, điều 1 Luật Đất đai 1987, điều 1 Luật Đất đai 1993 và điều 5 Luật Đất đai 2003, việc tranh chấp đòi lại quyền sử dụng 5.322m2 đất của gia đình bà Lê Thị Tích là không có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Việc giải quyết của TAND huyện Xuyên Mộc và TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận cho ông Tăng Minh Hòa được quyền sử dụng 5.322m2 đất tranh chấp là phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ TN&MT cũng nhận xét, việc UBND huyện Xuyên Mộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ) cho ông Tăng Minh Hòa năm 1998 trong khi đất đang có tranh chấp khi chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật là không đúng quy định của pháp luật.
"Việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Tăng Minh Hòa tuy chưa đúng trình tự nhưng không làm thay đổi bản chất vụ việc tranh chấp đất đai giữa bà Tích và ông Hòa, UNBD huyện Xuyên Mộc cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với việc cấp GCNQSDĐ cho ông Hòa nói trên" - kết luận của Bộ TN&MT nêu.
Về lý do cấp giấy CNQSDĐ cho ông Hòa, tại văn bản số 799/TTr-XKT ngày 28.8.2006, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trả lời đơn tố cáo của bà Tích cho rằng sau khi hòa giải không thành, đáng lẽ ban tư pháp xã Phước Bửu phải báo cáo với UBND xã Phước Bửu chuyển hồ sơ vụ việc đến UBND huyện Xuyên Mộc hoặc hướng dẫn công dân gửi đơn tranh chấp đến UBND huyện.
Nhưng ban tư pháp xã Phước Bửu không thực hiện việc này mà lưu hồ sơ, khi tách xã thì hồ sơ vụ tranh chấp này cũng không được bàn giao cho xã Phước Thuận. Thời gian này, do không nhận được đơn từ phía bà Tích nên đã cấp GCNQSDĐ cho ông Hòa.
Gia đình bà Tích không đồng ý với các kết luận này nên sau đó tiếp tục có đơn kêu cứu.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc
Theo hồ sơ, khoảng năm 1957, vợ chồng bà Lê Thị Tích khai hoang một miếng đất ở Hồ Tràm (xã Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) để trồng trọt, chăn nuôi. Chồng bà Tích mất sớm, con trai của bà tham gia cách mạng và hy sinh trước 1975. Thấy gia đình người hàng xóm là bà Huỳnh Thị Ý quá khó khăn nên bà Tích và các con gái viết giấy cho mượn một phần đất để trồng lúa và khoai sống qua ngày. Đến năm 1984, bà Ý qua đời, ông Trần Tấn Định là cháu bà Ý tiếp tục canh tác. Năm 1992, ông Định viết giấy tay bán đất cho một người tên Tuyết. Bà Tuyết tiếp tục sang tay cho ông Tăng Minh Hòa. Phát hiện đất bị sang tay, gia đình bà Tích đòi lại. Năm 1994, chính quyền địa phương yêu cầu các bên chờ chính quyền giải quyết. Đến năm 1998, khi đất vẫn đang tranh chấp thì UBND huyện Xuyên Mộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hòa. |