Dân Việt

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh: Chậm thay đổi sản xuất sẽ “chết” nhanh

Anh Thơ 29/03/2019 13:05 GMT+7
Một biến động nhẹ từ thị trường Trung Quốc, cộng với nhu cầu ở nhiều thị trường đang giảm do nguồn cung đang dồi dào đã khiến xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều khó khăn. Rõ ràng sự biến động này sẽ còn tiếp diễn, nếu cơ cấu sản xuất không thay đổi, doanh nghiệp không thay đổi thì chặng đường phía trước của hạt gạo Việt sẽ còn lắm gian nan.

Giá giảm 32 USD/tấn so với 5 năm trước

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đã giảm 14,4% về lượng và 23,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 2 tháng qua đạt 711.759 tấn, thu về 311,59 triệu USD.

Riêng tháng 2.2019, xuất khẩu gạo đạt 274.765 tấn, tương đương 116,62 triệu USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 40,3% về kim ngạch so với tháng 1.2019 và cũng giảm 19,1% về lượng và giảm 31% về kim ngạch so với tháng 2.2018. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 2.2019 giảm 4,9% so với tháng 1.2019 và giảm 14,6% so với tháng 2.2018, đạt trung bình 424,4 USD/tấn.

img

Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 giảm mạnh về giá và kim ngạch, dẫn đến giá thu mua lúa gạo của nông dân ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn (ảnh minh họa).  Ảnh: T.L

Việc đổ lỗi cho tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tổ chức và cơ cấu lại quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn khiến chi phí sản xuất tăng và khó truy xuất nguồn gốc chỉ cho thấy sự kém chủ động trong việc đáp ứng các đòi hỏi của thị trường.

Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 44,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tương đương 40,2% trong tổng kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 314.851 tấn, tương đương 125,32 triệu USD, tăng mạnh 80,9% về lượng và tăng 60,6% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm trước.

Bờ Biển Ngà là thị trường lớn thứ hai của gạo Việt Nam, với mức tăng 672,1% về lượng và tăng 508,2% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 65.223 tấn, tương đương 30,81 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Các thị trường lớn còn lại gạo Việt Nam có tăng trưởng mạnh là Malaysia, Hongkong, Angola, Hà Lan, Nam Phi… Ngược lại, xuất khẩu gạo sụt giảm rất mạnh ở các thị trường như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ…

Còn theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá xuất khẩu gạo hiện tại chỉ đạt khoảng 348 USD/tấn (gạo 5%), thấp hơn cùng kỳ năm trước đến 72 USD/tấn và nếu so với 5 năm trước mức giá hiện tại thấp hơn đến 32 USD/tấn. Như vậy, sau bao năm ngành lúa gạo vẫn chưa thoát ra được vòng luẩn quẩn giá giảm, giải cứu, còn người nông dân trồng lúa nghèo vẫn hoàn nghèo.

Vì sao có sự sụt giảm ghê gớm như vậy dù trước đó, những dự báo thị trường năm 2019 đều rất lạc quan? Có thể thấy năm nay Philippines trúng mùa lịch sử nên nhu cầu nhập khẩu gạo của họ  không lớn; sản xuất trong nước cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu; trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang “thay kho” dự trữ bằng cách đẩy gạo cũ ra với giá rất cạnh tranh làm gia tăng áp lực thị trường.

Hai thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (Philippines, Indonesia) và hai “nhà kho” lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, Ấn Độ có một chút biến động, nhẹ như những cơn gió heo may đã khiến hạt gạo Việt lao đao trong cơn giảm giá. Cũng cần nhớ, nhiều chuyên gia đã phân tích, thực tế, dung lượng thị trường lúa gạo toàn cầu rất bé nên mọi biến động dù nhỏ từ nguồn cung hay cầu cũng khiến thị trường chao đảo.

Thay đổi hay là thất bại?

Không chỉ có những biến động lớn về cung – cầu, các chính sách siết chặt nhập khẩu của các thị trường, trong đó có Trung Quốc cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó khăn, nếu không thay đổi ngay từ lúc này thì thị phần xuất khẩu gạo sang một trong những thị trường lớn nhất thế giới có thể sụt giảm.

Theo đó, từ 1.1.2019 gạo nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc bên cạnh phải chịu mức thế cao như đã áp dụng từ 1.7.2018 còn phải tuân thủ các quy định khác như: Thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở quốc kiểm của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và có dấu của cơ quan quốc kiểm Trung Quốc. Nếu không hợp lệ thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư để nhập khẩu vào thị trường này.

Ngay sau khi phía cơ quan chức năng quản lý nhập khẩu Trung Quốc có thông báo về việc áp dụng siết chặt điều kiện nhập khẩu gạo như các doanh nghiệp phản ánh, Bộ NNPTNT đã đàm phán và đã được phía bạn đồng ý lùi thời gian áp dụng quy định này đến giữa năm 2019.

Điều đáng nói là, những quy định này của thị trường nhập khẩu không phải đến được trong ngày một ngày hai mà trước đó những cảnh báo đã được họ đưa ra. Khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này nhưng sự chuyển động, vào cuộc lại chưa thực sự mạnh mẽ. Việc đổ lỗi cho tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tổ chức và cơ cấu lại quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn khiến chi phí sản xuất tăng và khó truy xuất nguồn gốc chỉ cho thấy sự kém chủ động trong việc đáp ứng các đòi hỏi của thị trường.

Tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc vào cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng khẳng định, trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch. 

Theo đó, không chỉ với mặt hàng gạo mà tới đây toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải đảm bảo các điều kiện trên, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp. 

Thị trường sẽ ngày càng khó khăn, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi những nhân tố mới tham gia thị trường gạo thế giới rất tiềm năng (Myanmar, Campuchia, Ấn Độ), nếu chúng ta không thay đổi ngay từ lúc này thì e rằng đã quá muộn.

img

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Mục tiêu là giữ mức giá có lãi cho nông dân

Nhu cầu nhập khẩu gạo năm nay thấp hơn so với những năm trước. Cụ thể, Indonesia năm 2018 đã nhập khẩu một khối lượng lớn nên năm nay họ dừng không nhập khẩu. Tại Bangladesh sản xuất đã phục hồi sau trận lũ lụt năm 2017, năm 2018 Bangladesh nhập 1,4 triệu tấn thì sang năm 2019 họ chỉ nhập 400.000 tấn. Thị trường Trung Quốc xả tồn kho. Do đó, mục tiêu lúc này là cố gắng giữ được mức giá có lãi cho nông dân. Nếu quay trở lại mức giá cao như năm 2018 là tương đối khó.

img

Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT): Cần hình thành chuỗi liên kết

Ngay từ đầu năm, các chuyên gia đã nhận định, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi đó các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất ra thị trường. Do đó, cùng với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành thì các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đồng thời tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Anh Thơ (ghi)