Dân Việt

Hội ND Hà Giang: Hỗ trợ hơn 5.400 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo

Nguyễn Phương 26/03/2019 05:08 GMT+7
Sau khi UBND tỉnh Hà Giang ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, các cấp Hội ND tỉnh đã có những giải pháp, tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả.


Hội đã xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), liên kết tổ chức sản xuất hàng hóa và tiêu thụ nông sản theo hướng ổn định, bền vững. Các cấp Hội ND tỉnh Hà Giang đã tích cực chủ động triển khai gắn với thực hiện 3 phong trào lớn của Hội, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Năm 2018, toàn tỉnh có 14.627 hộ đăng ký, trong đó có 10.857 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 96%.

img

Mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). 
Ảnh: Nguyễn Phương

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như: Mô hình nuôi gà xương đen tại thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì); nuôi lợn thương phẩm, trồng rau trong nhà lưới tại huyện Vị Xuyên; nuôi trâu, bò sinh sản tại các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần… Các mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Trong năm 2018, với sự tham gia của các cấp Hội, trên địa bàn tỉnh đã có 5.467 hộ hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân luôn chú trọng công tác tư vấn dạy nghề, hỗ trợ nông dân thông qua các hoạt động, như: Vay vốn, chuyển giao KHKT, tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất… Trong năm 2018, Hội đã đã giải ngân cho 639 hộ vay với tổng số tiền 6 tỷ 475 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Hội ký ủy thác với Ngân hàng CSXH cho 23.440 hộ vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt 717 tỷ đồng.

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn khuyến nông, chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân, mở được 217 lớp với 6.072 lượt người tham gia. Tư vấn học nghề và dạy nghề ngắn hạn cho 6.613 lao động, tạo việc làm cho 3.493 lao động. Một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: Mô hình “Chợ lao động, chợ việc làm” để tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân.

Để nông dân phát huy tối đa vai trò chủ thể trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội ND tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT; giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản…